Nhóm người này dường như có tập quán sống thành từng nhóm nhỏ tụ hợp để đi săn ngựa. Họ có bộ não lớn hơn nhiều so với bất kỳ loài người nào khác cùng thời, kể cả người thông minh là tổ tiên của chúng ta.
Nhà cổ nhân loại học Ngô Tú Kiệt ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và nhà nhân chủng học Christopher Bae ở Trường Đại học Hawaii, Mỹ, gọi nhóm người này là Juluren, hay "người đầu to".
Trước đây, một số nhà khoa học cho rằng hóa thạch người Juluren là của người Denisova. Người Denisova có họ hàng với người Neanderthal, từng sống cùng thời và thậm chí có giao phối với người hiện đại ở nhiều vùng của châu Á.
Tuy nhiên, hai nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ hơn và nhận thấy các đặc điểm của một số hóa thạch ở Trung Quốc không giống như của người hiện đại, người Neanderthal, người Denisova hay người đứng thẳng, tức là nhóm người có trước loài người hiện nay của chúng ta.
Thay vào đó, đặc điểm của họ nói lên sự pha trộn giữa các nhóm người khác nhau nhưng đều sinh sống ở châu Á từ 300.000 đến 50.000 năm trước.
Cho đến gần đây, tất cả các hóa thạch loài người tìm thấy ở Trung Quốc không hề khớp với đặc điểm của người đứng thẳng hoặc người thông minh thì đều được gộp lại với nhau chứ không có sự phân loại kỹ càng.
So với nghiên cứu hóa thạch loài người ở châu Phi và châu Âu, công tác nghiên cứu hồ sơ hóa thạch của loài người ở Đông Á được tiến hành kém hơn.
Chỉ trong hai thập kỷ qua, cây phả hệ của loài người đã đi từ một cây được cắt tỉa gọn gàng thành một cây bụi rậm rạp lộn xộn. Việc phân tách và đặt tên cho tất cả các nhánh, cành của cái cây này là một thách thức lớn với các nhà khoa học. Cứ sau vài năm, các dòng dõi mới lại xuất hiện, đan xen với các nhánh khác trước khi kết thúc một cách khó hiểu.
Năm 2003, các nhà khoa học đã phát hiện ra người Floresiensis - loài người nhỏ nhất từng sống cách đây 100.000 năm trên một hòn đảo ở Indonesia.
Năm 2007, các nhà khảo cổ học phát hiện ra người Luzonensis - một loài vượn nhân hình hoàn toàn mới có niên đại 67.000 năm trước - ở Philippines.
Năm 2010, phân tích DNA cho thấy sự tồn tại của người Denisova cổ đại ở vùng ngày nay là Nga, gần biên giới Kazakhstan và Mông Cổ.
Vào năm 2018, các nhà cổ nhân chủng học đã nhận được một hóa thạch từ phía đông bắc Trung Quốc hóa ra là một loài người cổ xưa đã tuyệt chủng, có thể có liên quan đến người Denisovan.
Chỉ đến năm 2021, các nhà khoa học mới chính thức đặt tên loài này là người Longi.
Và giờ đây, hai nhà khoa học Ngô và Bae vừa giới thiệu người Juluensis vào cái cây phả hệ của loài người.
Các hóa thạch của người Juluensis gồm có mặt và hàm, có đặc điểm răng miệng giống người Neanderthal thuần chủng, nhưng một số đặc điểm hoàn toàn không có ở các giống người khác chúng ta đã từng biết.
Hai nhà nghiên cứu nhận định rằng ngày càng có nhiều bằng chứng hóa thạch ở Đông Á cho thấy mức độ biến đổi hình thái phả hệ loài người đa dạng và phức tạp hơn so với đánh giá ban đầu.
Ví dụ vào năm 2003, các nhà khoa học đã tìm thấy một hóa thạch người ở hang Hoa Long, Trung Quốc, không giống bất kỳ hóa thạch nào khác của con người được ghi nhận. Nó không phải là người Denisovan hay người Neanderthal, và nó không khớp với người Juluensis hay người Longi.
Để đánh giá kết quả nghiên cứu, các tác giả nhận xét rằng hồ sơ loài người ở Đông Á ngày càng được bổ sung và củng cố nhận định rằng quá trình tiến hóa của loài người phức tạp hơn chúng ta tưởng.
Các tác giả cho rằng chúng ta cần xem xét lại các giải thích trước đây về các mô hình tiến hóa khác nhau sao cho phù hợp hơn với hồ sơ hóa thạch ngày càng nhiều và cụ thể.
顶: 71623踩: 48
评论专区