Họ cầm từng trái cà chua,ânđấgiải a brazil ớt chuông giới thiệu về công dụng, cách chế biến sao cho tươi ngon, bổ dưỡng nhất. Rồi bằng cái bếp đơn sơ ngay cạnh, người nông dân nấu luôn thứ nông sản tươi ngon vừa thu hoạch của mình. Mùi thơm khiến tôi cồn cào cơn đói. Người xem livestream, dù không ngửi được mùi trực tiếp như tôi, chắc chắn cũng bị kích thích vị giác và cảm xúc bởi màu sắc hấp dẫn của trái cây và cách xuýt xoa món ăn hồn nhiên và hấp dẫn của các đầu bếp nông dân chính hiệu.
Chỉ thông qua chiếc điện thoại hay máy ảnh handcam đơn giản, họ có thể tổ chức một phiên bán hàng sôi động và kịch tích mà không cần chuẩn bị trước kịch bản cầu kỳ. Các "streamer chân đất" chỉ như đang làm công việc nấu nướng hàng ngày của mình rồi... chốt đơn.
Kim Min Kyu - cán bộ phụ trách nông nghiệp huyện Cheowron - cho tôi biết, trước đó họ đã được hỗ trợ kỹ thuật và tham gia các lớp đào tạo về content maketing do Hội quán và trung tâm kỹ thuật nông nghiệp của địa phương tổ chức.
Những gì tôi chứng kiến ở Hàn Quốc không có gì mới. Từ năm 2018, Jin Guowei, một nông dân Trung Quốc có biệt danh là Brother Pomegranate đã biết tận dụng lợi thế công nghệ. Chỉ trong năm 2020, anh này đạt doanh thu 300 triệu nhân dân tệ (46 triệu USD). Jin cũng từng bán được 6 triệu nhân dân tệ tiền lựu chỉ trong 20 phút livestream. Trước khi trở thành nông dân livestream triệu follows, anh vốn là người bán hoa quả cho khách du lịch trên đường phố Lệ Giang, Vân Nam và đang ngập đầu trong nợ nần.
Hai câu chuyện tôi kể trên là ví dụ của một xu hướng ngày càng phổ biến ở nông thôn Hàn Quốc, Trung Quốc. Không chỉ nông dân với đất đai, ruộng vườn, thửa lúa, con gà, họ còn là những người ở các tỉnh xa bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng thành thị thông qua các buổi phát live trực tiếp và video thời lượng ngắn. Doanh thu do những người sáng tạo nội dung nông thôn tạo ra trên mạng xã hội giúp nông dân sống khỏe trên chính mảnh đất của mình.
Tuần trước, tỉnh Bắc Giang của Việt Nam cũng mời hơn 70 nhà sáng tạo nội dung từ nhiều vùng miền khác nhau đến giúp tỉnh tiêu thụ vải thiều cho nông dân. Thống kê từ địa phương cho thấy chỉ trong 4 giờ livestream vào sáng 24/6 tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn), những KOL này đã thực hiện được 26 phiên live, gần 1,7 triệu lượt xem, bán được 5.182 đơn hàng với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, giúp nông dân Lục Ngạn tiêu thụ khoảng 23 tấn vải.
Đây là một gợi ý để không chỉ người dân Bắc Giang mà nhiều địa phương khác của Việt Nam có thể khai thác tốt các nền tảng mạng xã hội trong giao dịch, góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh nông nghiệp, nông sản của địa phương. Song nếu chỉ mời các KOL quảng bá giúp, thì việc này về bản chất không khác gì chuyển đổi hình thức từ kêu gọi "giải cứu nông sản" qua báo chí chính thống sang truyền thông đa phương tiện trên mạng xã hội. Nông dân sẽ tiếp tục bị động và phụ thuộc trong khâu tìm đường ra nông sản.
Như cây vải thiều, nhiều nông sản khác của Việt Nam cần đi theo hướng tiếp cận khách hàng xa, gần theo phương thức sàn giao dịch thương mại điện tử, lợi dụng công năng của mạng xã hội. Trong quá trình này, điều quan trọng là giúp người nông dân để bản thân họ trở thành các KOL. Hơn ai hết, chính họ là người am hiểu nhất sản phẩm của họ làm ra. Họ biết cách làm cho những giá trị lao động của mình đến với người tiêu dùng một cách tốt nhất. Đây cũng là sự xoay xở tốt trong bối cảnh những chiến lược marketing nông sản quy mô lớn ở các địa phương chưa được chú trọng. Sự vận động tự thân nho nhỏ này sẽ dần giúp người nông dân từ chỗ sản xuất giản đơn đi đến làm kinh tế nông nghiệp.
Thống kê mới nhất cho thấy tại các địa phương đã có 568 khóa đào tạo, tập huấn được triển khai nhằm giúp người dân quen thuộc hơn với hoạt động mua bán online. Hơn 8,4 triệu người đã được hướng dẫn các hoạt động này. Song, khó khăn nhất là nông dân còn hạn chế khâu tiếp cận và sử dụng công nghệ, không biết làm nội dung truyền thông, quản lý và đóng gói bán hàng online.
Để người nông dân có thể là một streamer, phát sóng và chốt đơn trên cánh đồng cần có sự bắt tay của nhiều đầu mối, giúp họ biết edit video, nắm được kỹ thuật livestream, đóng gói, giao dịch online.... Mục tiêu, nhìn xa ra, không phải là để nhà nhà, người người đều biết livestream, mà nhằm "nâng cấp" nông dân, mở những con đường khác để nông sản ra thị trường, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái trung gian.
Nguyễn Nam Cường