Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) cùng Qualcomm đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, tối ưu chip ASIC hỗ trợ chuẩn mở Open RAN cho thiết bị vô tuyến 5G đầu tiên trên thế giới. Khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G của Viettel cũng là sản phẩm đầu tiên trên thế giới sử dụng dòng chip này. Đây là bước đột phá, mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông do có khả năng giảm giá thành, xóa bỏ sự lệ thuộc vào chipset độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị khác.
Ngày 28/2/2023, tại Hội nghị di động thế giới (MWC 2023), Tây Ban Nha, Viettel High Tech - thành viên của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng Qualcomm công bố nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G (32 phát, 32 thu) đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open Ran của Qualcomm.
Theo đó, Viettel High Tech là đối tác đầu tiên của Qualcomm trên toàn cầu hoàn thành chế tạo khối thu phát vô tuyến trạm 5G sử dụng chipset QRU100 5G RAN của Qualcomm chỉ sau 7 tháng hợp tác, hai bên đang tích hợp khối thu phát vô tuyến với khối xử lý băng gốc sử dụng chipset X100 5G RAN Qualcomm. Đội ngũ kỹ sư của Viettel High Tech đã tham gia vào quá trình nghiên cứu, đưa ra những phương án tối ưu và hoàn thành sản xuất bo mạch hoàn chỉnh cho trạm thu phát 5G trong thời gian chỉ bằng 1/3 so với quy trình phát triển thông thường. Đây là kết quả vượt xa kỳ vọng của Qualcomm, tập đoàn sản xuất chip viễn thông hàng đầu thế giới.
Thiết bị này hỗ trợ tất cả tính năng quan trọng yêu cầu công nghệ phức tạp như Massive MIMO, Beamforming, Dynamic Spectrum Sharing (DSS). Đặc biệt, thiết bị có hiệu năng vượt trội đạt 400MHz, 16 layers Dowlink, 8 layers Uplink, hỗ trợ cả Sub-6 và mmWave.
Trong khi các vendor lớn trên thế giới sử dụng chip công nghệ 7nm thì Qualcomm sử dụng công nghệ 4nm tiên tiến nhất giúp tiết kiệm tới 20% năng lượng tiêu thụ trên mỗi cell.
Tuân theo tiêu chuẩn mở Open RAN, thiết bị 5G của Viettel có khả năng tích hợp chéo với các phần tử mạng của các nhà cung cấp khác nhau. Giải pháp này sẽ giúp các nhà mạng triển khai mạng 5G với tốc độ cao, vùng phủ rộng, độ trễ thấp trong khi đó vẫn duy trì được chi phí đầu tư (CAPEX) và vận hành (OPEX) ở mức hợp lý. Hai bên tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và đưa vào thử nghiệm trên mạng lưới Viettel vào quý IV/2023. Viettel sẽ đưa thiết bị vào mạng lưới của mình tại 11 thị trường đầu tư và sẵn sàng cung cấp cho các nhà khai thác trên toàn cầu.
Tiếp theo thành công này, Viettel sẽ hoàn thiện thiết bị 5G (64 phát, 64 thu) để phục vụ các nhà mạng phát sóng vào những khu vực có nhiều nhà cao tầng cần phủ cao và sâu.
Ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc Viettel High Tech cho biết kết quả hợp tác với Qualcomm sẽ thúc đẩy tiến trình thương mại hóa sản phẩm 5G của Viettel trên diện rộng.
Thông tin từ Bộ TT&TT cho hay, các thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu - phát triển đã được sản xuất và lắp đặt trên mạng lưới để cung cấp dịch vụ mạng cho người dân sử dụng ở một số khu vực. Những thiết bị này có đủ ở các phân lớp hệ thống mạng 5G (mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng truy cập), hiện đã được lắp đặt trên mạng lưới để cung cấp dịch vụ ở một số khu vực diện rộng với tốc độ download 1,5 Gbps, upload 60 Mbps.
Chất lượng dịch vụ mạng 5G cung cấp bởi các thiết bị được nghiên cứu sản xuất trong nước tương đương với sản phẩm nước ngoài ở một số chỉ tiêu cơ bản dịch vụ viễn thông như tốc độ download và upload. Viettel đang tiếp tục nghiên cứu - phát triển thêm các tính năng thông minh, đa dạng hóa dải sản phẩm phù hợp với bài toán đầu tư của các nhà mạng.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ thương mại hóa mạng 5G vào năm 2023 bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất, qua đó nâng cao năng lực tự chủ và phát triển công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào những nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia. Lộ trình tháng 12/2022 thử nghiệm ở quy mô cấp tỉnh (300 trạm BTS 5G), tháng 6/2023 có thiết bị để triển khai thương mại trên toàn quốc.
评论专区