Trong cuộc đời mình,ủtịchHồChítrực tiếp giao hữu câu lạc bộ Bác Hồ là ứng cử viên đồng thời cũng là cử tri đi bầu cử 3 nhiệm kỳ Quốc hội (QH), gồm: QH khóa I (1946-1960), QH khóa II (1960-1964) và QH khóa III (1964-1971). Ở cương vị ứng cử viên hay cử tri, Bác đều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân tộc về tinh thần, trách nhiệm của một người công dân đối với đất nước. Bác là đại biểu ưu tú, là linh hồn của QH nước ta. Tư tưởng của Người về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung, công tác bầu cử nói riêng đã trở thành di sản vô giá.
Bác Hồ thực hiện quyền bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 (Ảnh: Tư liệu) |
Ngọn cờ độc lập tự do của Hồ Chí Minh khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 đã được thể chế hóa bằng cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, là mục tiêu đấu tranh, là động lực của toàn dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong hoàn cảnh chính quyền non trẻ gặp muôn vàn khó khăn, cùng một lúc phải chống lại thù trong, giặc ngoài và giặc đói, giặc dốt, Bác Hồ vẫn đề nghị Chính phủ lâm thời tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.
Tại cuộc Tổng tuyển cử bầu QH đầu tiên (QH khóa I) năm 1946, thủ đô Hà Nội là nơi Bác Hồ ra ứng cử. Gần đến ngày bầu cử, có 118 vị là Chủ tịch Ủy ban Hành chính các cấp đã công bố một bản đề nghị “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo nhân dân ta. Mặc dù vậy, Bác Hồ đã viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào cho Người thực hiện quyền và nghĩa vụ của người công dân. Bức thư có đoạn viết: “Tôi là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nên tôi không thể vượt qua thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định...”.
Trước ngày Tổng tuyển cử một hôm, tại khu Việt Nam học xá (nay là khu vực trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh của hơn 2 vạn cử tri Hà Nội ủng hộ cuộc bầu cử QH. Tại cuộc mít tinh, Người nói: “Làm việc bây giờ là hy sinh, là phấn đấu quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi ích chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu...”.
Trong cuộc bầu cử QH khóa I, Người đã trúng cử với số phiếu rất cao. Khi kỳ họp thứ nhất QH khóa I tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch Chính phủ kháng chiến, Người phát biểu: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác, thì tôi phải gắng làm, cũng như mọi người lính vâng lệnh Quốc dân ra trước mặt trận...”.
Sáng ngày 15-4-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 12 QH khóa I. Sau khi nêu lên: “QH ta là QH dân chủ đầu tiên ở vùng Đông Nam châu Á, cũng là QH đầu tiên của các nước thuộc địa cũ được độc lập tự do”. Là QH đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, QH khóa I đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ cộng hòa.
Ngày 24-4-1960, phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân thủ đô chào mừng các vị ứng cử đại biểu QH tại Hà Nội ra mắt cử tri thủ đô, sau khi cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu Người và các vị khác ra ứng cử vào QH khóa II, Người đã nêu lên tính chất dân chủ của Luật Bầu cử, giá trị cao quý của lá phiếu cử tri và tin tưởng rằng những cử tri sáng suốt sẽ bầu ra được một QH có những đại biểu thật xứng đáng. Người thay mặt các ứng cử viên hứa với đồng bào: “Những người được cử vào QH khóa II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”.
Sự tôn trọng, dân chủ, nghiêm túc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc làm rất nhỏ của công tác bầu cử. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, cận vệ của Bác Hồ, sau này từng là Cục trưởng Cục Cảnh vệ (Bộ Công an) kể lại: Chiều 27-4-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp huyện và xã. Người bỏ phiếu tại hòm phiếu số 6, Tiểu khu 1, Khu phố Ba Đình, Hà Nội, đặt tại Nhà thuyền (Hồ Tây). Khi Bác đến, tổ bầu cử có ý cho mọi người dừng lại để Bác bầu cử trước. Thấy vậy, Người nói thẳng thắn: “Ai đến trước, bầu trước; Bác đến sau, Bác chờ”.
Sau đó, Người đã gương mẫu chờ đến lượt mình mới lấy lá phiếu và tiến hành bầu cử. Nghĩa vụ là vậy, còn về “quyền” Bác cũng kiên quyết thực hiện đúng quyền của mình. Bác yêu cầu đưa lý lịch những người ứng cử để Người cân nhắc lựa chọn. Một nhà báo định chụp ảnh Bác đang bầu cử, Người đã lấy tay che lá phiếu và ngăn lại: “Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri. Phải tôn trọng cử tri. Phải tôn trọng tự do và bí mật của công dân!”.
Ôn lại những câu chuyện về Bác, chúng ta càng thấy rõ hơn tâm huyết và tầm nhìn xa trông rộng của Bác. Người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho một xã hội bình đẳng, dân chủ và dày công vun đắp, xây dựng một Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân.
T.S (tổng hợp)