- Cảnh tượng nhộn nhịp, chen chúc ghi danh ở các lò luyện thi đại học dường như chỉ còn là một thời vang bóng.
Lò luyện thi của thầy Thành, cô Thời nổi tiếng một thời vẫn nằm ở địa chỉ cũ - trong khuôn viên Trung tâm GDTX và dạy nghề quận Cầu Giấy (Hà Nội). Tuy nhiên, cảnh tượng học sinh nườm nượp xếp hàng để đăng ký, xếp lớp trước đây đã không còn.
Ngồi bên cạnh chồng tài liệu đề luyện thi đã bạc màu, chị nhân viên của trung tâm này cho hay, hiện trung tâm không còn tổ chức các lớp luyện thi đại học cấp tốc như trước. Các lớp ôn thi đều đã tổ chức từ nhiều tháng trước và hiện tại đã là những buổi cuối cùng.
Tấm biển luyện thi cấp tốc được “trưng dụng” để che nắng cho xe máy tại lò luyện thi Trường ĐH Sư phạm. (Ảnh: Lê Văn) |
Chị nhân viên này tiết lộ, trung tâm vẫn duy trì hoạt động khá đều song quả thật vài năm trở lại đây số lượng học sinh trong các lớp không còn được đông như trước đây. "Học sinh dường như càng ngày càng ít đi" - chị nói.
Cách lò luyện thi của thầy Thành cô Thời không xa, "lò" của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nức tiếng vài năm trước đây, thì nay cũng trong tình trạng tương tự. Nếu như những năm trước, lượng học sinh tới đăng ký học phải xếp hàng, thậm chí trung tâm này phải thuê phòng học ra bên ngoài trường để cho học sinh ngồi học - thì nay đã co cụm về trường.
"Ở đây không có lớp luyện thi cấp tốc đâu! Ôn thi cần cả quá trình chứ luyện vài buổi thì giải quyết được vấn đề gì?" - vị nhân viên lớn tuổi trực tại văn phòng của trung tâm luyện thi Trường ĐH Trường ĐH Sư phạm nói khi tôi hỏi về lớp luyện thi ĐH cấp tốc.
Tấm biển luyện thi cấp tốc đã rách nhiều chỗ nay được "trưng dụng" để che nắng cho chiếc xe máy đậu trước sân của trung tâm đã minh chứng cho điều vị nhân viên già nói. Các lớp luyện thi ĐH cấp tốc đã "bốc hơi" như chưa bao giờ tồn tại.
Học sinh càng ngày càng ít khiến nhiều lò luyện thi lần lượt đóng cửa. Dọc các con phố Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị xung quanh khu vực ĐH Bách Khoa trước kia từng được mệnh danh là những "phố luyện thi đại học" thì nay, phải để ý lắm, người ta mới tìm được một tấm biển tuyển sinh luyện thi đại học.
Trung tâm luyện thi ĐH Đa Minh, một trong số không nhiều các trung tâm vẫn còn hoạt động trên phố Lê Thanh Nghị mặc dù vẫn treo biển tuyển sinh song không có nhân viên nào trực. Mọi cánh cửa của dãy phòng học trong sân vận động Bách khoa đều được khóa kín.
Trung tâm luyện thi Đa Minh một trong số ít trung tâm còn duy trì hoạt động cũng vắng bóng học sinh tới học. (Ảnh: Lê Văn) |
Lớp học điều hòa chỉ 20 học sinh
Gọi điện theo số điện thoại trên bảng tuyển sinh, chúng tôi được trả lời rằng, không cần phải đăng ký trước, chỉ cần đến trước buổi học mua vé là có thể vào học được. Giá mỗi ca học là 50.000 đồng. Vị này cũng cam kết, các lớp học ở trung tâm này chỉ 20-30 em và lớp học có điều hòa.
Chị Huyền, chủ quán nước ở cổng của trung tâm này từ 12 năm nay, từng cho con học tại trung tâm nay cho biết, vài năm gần đây số lượng người tới trung tâm để ôn thi đại học giảm hẳn. "Năm nay, tỉnh nào lại thi ở tỉnh đó nữa nên số lượng người lên Hà Nội học càng ít hơn" - chị Huyền lý giải.
Trong khi đó, nằm khá sâu trong một ngõ nhỏ của phố Lê Thanh Nghị là "lò luyện thi đại học" của Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Thăng Long (trước đây nằm trên phố Chùa Bộc), vẫn có lượng học sinh khá đông tới học. Tuy nhiên, nhân viên bảo vệ tại trung tâm cho biết, học sinh ở đây có vẻ đông vì có nhiều lớp học cùng lúc chứ thực tế mỗi lớp học hiện nay chỉ vài chục học sinh, không thể bằng trước kia.
Thay đổi cách tổ chức kỳ thi đại học, chỉ còn một kỳ thi duy nhất là kỳ thi THPT quốc gia và ở tỉnh nào cũng có cụm thi nên các học sinh ngoại tỉnh gần như không còn đổ về Hà Nội để tham gia các lớp luyện thi như những năm trước. Bên cạnh đó, học sinh cũng có nhiều hình thức ôn luyện khác hơn là đổ về các lò luyện thi như trước đây.
Thầy L.X Anh (Thanh Hóa) cho biết, kể từ khi chỉ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT cũng đã thay đổi cách thức ra đề theo hướng đi từ dễ đến khó, bám sát nội dung sách giáo khoa. Theo đó, học sinh chỉ cần học trên lớp, chăm chỉ làm bài tập và vận dụng những kiến thức đó vào bài thi có thể đạt điểm cao. Vì thế, số lượng các học sinh tìm tới các lò luyện thi giảm rất nhiều.
Em Khánh Vân (Thanh Hóa) cũng cho biết, hiện nay, trường em đang học cũng tổ chức ôn thi cho các học sinh thi đại học. Ngoài ra, em cũng có thể tự ôn luyện thông qua các chương trình ôn luyện trên truyền hình hay trực tuyến trên Internet. Vì vậy, năm nay, em quyết định ở quê tự ôn tập chứ không lên Hà Nội học.
"Hầu như cả lớp em đều đăng ký ôn thi ở trường. Bạn nào không ôn thi ở trường thì cũng ở nhà ôn chứ không lên Hà Nội" - Vân chia sẻ.
Trong khi đó, em Nguyễn Tú Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) thì được cha mẹ thuê hẳn một gia sư ôn thi đại học tới nhà để kèm riêng từ khi em bắt đầu lên lớp 12. Việc học một thầy một trò giúp Tú Anh tiếp thu kiến thức sâu hơn mà không phải chen chúc tới các lò luyện thi nóng nực giữa những ngày hè như trước đây.
Gia sư ôn thi đại học được nhiều phụ huynh có điều kiện tại Hà Nội lựa chọn cho con em mình.
Chị Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) có con năm nay thi đại học cho biết, con chị không đăng ký ôn thi ở trường nhưng cháu cùng một số bạn trong lớp lập nhóm đăng ký ôn thi với các thầy cô giáo tại nhà. Mỗi lớp như vậy chỉ từ 10-15 học sinh.
"Tôi thấy học lớp hơn chục học sinh như vậy thì mới có hiệu quả. Nắng nóng thế này mà tới các lò luyện vừa đông đúc vừa chật chội thì không biết các cháu có học được chữ nào không?" - chị Hạnh chia sẻ.
Từ 30/6 tới, hơn 800.000 thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH. Cả nước sẽ có hơn 100 cụm thi trong đố mỗi tỉnh ít nhất có một cụm thi do trường ĐH chủ trì (để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học) và một cụm thi do sở GD-ĐT tỉnh chủ trì chỉ để xét tốt nghiệp. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có tới 32% thí sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT. |
Lê Văn
顶: 9975踩: 93
评论专区