Ông Kim Ngọc Mỹ (trái) trao đổi,ườilochuyệnbaođồkết quả bóng việt nam hôm nay dặn dò một người “con” trước khi thực hiện “nhiệm vụ” Ông “bố” của những người “con” Gặp ông Mỹ trong tiết trời đổ lửa oi bức của những ngày giữa mùa khô, chúng tôi có chút e ngại vì xung quanh ông có nhiều thanh niên “bặm trợn” với nhiều vết xăm trên người. Vậy nhưng, qua tiếp xúc chúng tôi dễ dàng nhận ra được bản chất của họ là những thanh niên thiện lành, khác xa so với vẻ bề ngoài. Người dân nơi đây gọi ông Mỹ là “bố già” vì ông có tới 70 “lính” như con, cháu trong gia đình. Trong đó, không ít người từng dính vào tệ nạn xã hội được ông “phục thiện”, trở thành những “chiến binh” giúp ích cho đời bằng những việc làm đầy ý nghĩa như sửa xe, vá xe miễn phí; chở người đi cấp cứu do tai nạn, hỗ trợ dân bị trộm, cướp… Họ đều là những thành viên tích cực của Đội SOS Dĩ An hoạt động trên địa bàn 7 phường của thành phố. 4 giờ chiều, một cuộc điện thoại đổ chuông. “Alo, tui Mỹ đây? Mấy giờ? Ở đâu? Ờ được!..”. Điện thoại vừa dứt, ông nói: “Đội hình sự Công an tỉnh muốn phối hợp với Đội SOS Dĩ An để bắt một đối tượng đánh người gây thương tích trước đó”. Không chần chừ thêm, ông nhấc điện thoại “Alo, alo! Các con tập trung gấp, có vụ quan trọng, 4 giờ 30 phút tập trung ở đình thần Tân Ninh (đường Mỹ Phước - Tân Vạn - PV) nha. Các con khẩn trương nha! Alo! Alo!...”. 30 phút sau, 6 người “con” của ông đã có mặt. Vẫn trong bộ đồ đồng phục của người giao hàng cho công ty, anh Nguyễn Đức Dũng, một người “con” của ông Mỹ, dừng chiếc xe máy cà tàng ngay trước văn phòng đội, nói vọng vào: “Đi chưa bố?”. Anh Nguyễn An Vũ, một tài xế grab, cũng không trễ phút nào: “Con sẵn sàng nha bố”. Và, cứ thế như bao lần, họ lên đường và hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chúng tôi có khoảng 2 tiếng để ngồi nghe ông Mỹ tâm sự về những câu chuyện xung quanh “gia đình bảy chục người” này. Càng nghe, chúng tôi càng thấm thía và cảm thấy “phục sát đất” người đàn ông nhìn có vẻ khô khan nhưng sống rất tình cảm. Thanh Hải, chàng trai sinh năm 1995, một trong những trường hợp mà ông Mỹ đã thay đổi cả cuộc đời. cho biết: “Cũng may “bố” Mỹ thương tình, nên đã thay đổi được cuộc đời em chứ không là tiêu rồi. Ngày trước, nhà có chiếc xe nào là em bán chiếc đó, thậm chí còn mượn của bạn rồi bán để lấy tiền tiêu xài, mẹ rất đau khổ vì em. Từ ngày gặp “bố”, cuộc đời em đã bước sang trang mới. Ngày chạy xe ôm, đêm về đi vá xe, đưa người bị tai nạn đi cấp cứu. Có khi tham gia bắt trộm, bắt cướp…” . Gặp Nguyễn Hùng Cường trong bộ đồ màu xanh đặc trưng của tài xế grab khi em đang chuẩn bị đi làm ca chiều. Sinh năm 1997 nhưng trông Cường khắc khổ, có vẻ già như một người hơn 30 tuổi. Hoàn cảnh gia đình éo le, ba mẹ ly hôn từ nhỏ, ai cũng đi bước nữa khiến em lang thang phiêu bạt khắp nơi. Cường gặp ông Mỹ năm 2019 trong một lần ông đang vá xe miễn phí cho người dân. Từ một thanh niên “cù bất cù bơ”, Cường được ông che chở như một người thân ruột thịt trong nhà. Một tháng sau lần gặp đó, Cường xin ông cho vào đội. Chỉ về chiếc xe mình đang dùng, Cường cho biết, đó cũng là chiếc xe ông Mỹ đã mua cho để có phương tiện đi lại, để có thể đi làm công việc ổn định như hôm nay. “Từ Bến Tre lên Bình Dương làm việc, em may mắn được “bố” cho mượn tiền mua xe máy, “bố” lại tạo điều kiện cho ở lại ở văn phòng của đội, được ăn uống miễn phí. Sắp tới, “bố” còn là người đại diện đi hỏi vợ cho em nữa”, Cường vui vẻ thông báo. 10 năm làm chuyện “bao đồng” 10 năm ròng rã làm việc thiện, ông Mỹ là một trong những điển hình về “cây cầu” kết nối yêu thương. Ở đâu có khó khăn, ở đó có ông Kim Ngọc Mỹ. Hầu như chẳng có đêm nào ông được nghỉ ngơi. Từ 9 giờ tối đến 2 giờ sáng, ông cùng các “con” lên đường giúp đỡ những người bị sự cố xe cộ, tai nạn giao thông, bị ức hiếp, vá xe hư hỏng miễn phí... “Có những đêm xử lý 4 - 5 ca, “ế” nhất cũng có 1 ca”, ông hài hước nói. Ông Mỹ chia sẻ: “Có đêm, vừa mới chợp mắt được 1 tí, đầu dây bên kia là một cán bộ ở khu phố thông báo về một trường hợp người lao động ở trọ qua đời không có người thân, hoàn cảnh khó khăn. Không kịp suy nghĩ, tôi bật dậy, đến xem tình hình rồi liên hệ cở sở mai táng, liên hệ xe để chở người đã mất về quê nhà để an táng hoàn toàn miễn phí. May mắn có nhiều nhà hảo tâm đồng hành cùng tôi. Đã làm việc thiện thì không nên ngại việc gì. Ở đây, những người lao động nghèo khổ qua đời, tôi muốn lo ma chay hoàn toàn miễn phí cho họ. Hiện tại, đã có 3 cơ sở mai táng đồng hành cùng tôi trong việc này nên sẽ nhờ họ giúp đỡ luân phiên” . Có dịp đồng hành cùng ông Mỹ trong “Phiên chợ 0 đồng” mới đây, chúng tôi mới thấm được cái mệt, cái nhọc nhằn mà không phải ai cũng hiểu và làm được. Không chỉ hỗ trợ người dân trên địa bàn phường Dĩ An, ông thường xuyên san sẻ với bà con trong và ngoài vùng, kể cả các tỉnh, thành khác khi có điều kiện. Trên trục đường Trần Hưng Đạo (phường Đông Hòa, TP.Dĩ An) tấp nập người qua lại, có những chuyến xe chở 2 tấn rau củ quả phát miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động nghèo trên địa bàn, được ông cùng Hội Chữ thập đỏ phường Đông Hòa hỗ trợ phát cho bà con. Nhận rau trong niềm vui, bà Nguyễn Thị Bé, một người bán vé số dạo, cười tươi nói: “Được nhận mớ rau, cọng hành cũng vui lắm rồi! Bán vé số 10 tờ mới được 10 ngàn đồng. Được cho nhiều rau như vậy thì không biết bằng bán mấy chục tờ nữa…”. Được biết, công việc phát rau củ quả miễn phí này đã gắn bó với ông 10 năm nay. Trung bình mỗi tuần khoảng 10 tấn rau, củ, quả được phát miễn phí từ 3 - 4 lần/tuần. Khi chúng tôi thắc mắc vì số lượng quá lớn, ông kiếm đâu ra mà phát cho bà con (?), ông bảo: “Trong một lần đi vận động thu gom quần áo cho bà con vùng sâu, vùng xa, tôi được gặp một nhà hảo tâm, chị này là chủ vựa rau của chợ đầu mối Thủ Đức. Vì tin tưởng tôi nên chị cùng một số người nữa thường xuyên ủng hộ, nhờ đó nguồn rau, củ, quả lúc nào cũng dồi dào. ..”. Có lần, trong đợt đi hỗ trợ 1 trường hợp bị tai nạn giao thông vào ban đêm, ông Kim Ngọc Mỹ biết đến hoàn cảnh một ông cụ bán vé số ngụ ở khu vực Bình Thung, phường Bình An (TP.Dĩ An). Qua tìm hiểu ông biết cụ bà cũng từng bị tai nạn giao thông hiện đang nằm một chỗ. Người con trai độc nhất của họ cũng bị bệnh tâm thần. Xót thương hoàn cảnh của cụ, ông nhận chu cấp hỗ trợ cố định hàng tháng, giúp đỡ họ thêm cái ăn, cái mặc vượt qua nhiều nỗi đau chồng chất. Họ cũng là 1 trong số 11 trường hợp được ông nhận chu cấp cố định hàng tháng nhiều năm nay. Để liệt kê hết công việc mà ông Mỹ đã làm trong 10 năm qua, chắc hẳn chúng tôi không thể kể hết trong bài viết này. Khi được hỏi: “Ông ôm đồm quá nhiều việc như vậy, thời gian đâu để nghỉ ngơi?...”. Trầm ngâm một lúc, ông nói: “Một ngày tôi ngủ được khoảng 2 tiếng, như đêm qua thì chẳng chợp mắt được tí nào. Có lúc cũng đuối lắm chứ nhưng mà đâu dễ bỏ cuộc được. Mình làm việc thiện thì xác định mệt nhưng cũng hạnh phúc lắm!”. Vâng! Đến đây thì chúng tôi tự hiểu, hạnh phúc mà ông Mỹ nói là điều thật cụ thể. Với ông, hạnh phúc là được sẻ chia, là khi thấy người khác được hưởng chút niềm hạnh phúc…