Đưa con đi học,Điđổxăngnhàgiàucũngkhólen vs chờ đổ xăng xong về đón con là vừa
Anh V.V.T ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, ngày 2/11 vừa qua, anh đã phải đợi gần 1 giờ đồng hồ ở cây xăng cuối đường Dương Đình Nghệ để được đổ đầy bình.
"Hôm đó, tôi chở con gái đi học đàn vào chiều tối, cháu học 45 phút thì tôi chờ đổ được bình xăng cũng khoảng 45 phút. Đứng chờ đổ xăng mà hết lướt facebook, zalo, lại sang check mail, đọc báo… vẫn chưa đến lượt. Nếu tính mỗi người mất 30 phút đến 45 phút chỉ để đổ một bình xăng, nhân lên với hàng nghìn, hàng triệu lượt người sẽ ra con số lãng phí thời gian xã hội khổng lồ", anh T. chia sẻ.
Theo anh T., các cây xăng ở khu vực quận Cầu Giấy không đóng cửa nhưng lại rất đông từ sáng đến đêm.
"Nín thở" vì kim xăng chỉ vạch đỏ
Anh Nguyễn Trung Kiên ở khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vừa có một phen nhớ đời khi đi từ Hà Nội đến Hải Phòng trên chiếc Hyundai Accent trong tình trạng xe cạn xăng.
Khi chuẩn bị xuất phát, anh Kiên thấy xe báo lượng xăng còn lại đi được quãng đường là 110 km, đúng bằng khoảng cách đến Hải Phòng. Để "chắc cú", anh vẫn cẩn thận mang xe đi đổ xăng. Tuy nhiên, đi đến 3-4 điểm, anh vẫn chưa thể mua được bởi nơi thì quá đông, nơi thì đóng cửa hoặc chỉ bán dầu.
"Đang phải tiết kiệm xăng thì tự dưng đi loanh quanh mất hơn 10km. Do có hẹn với đối tác tác nên tôi "đánh liều" và hy vọng trên cao tốc sẽ có cây xăng mở cửa. Đi ở vành đai 3 trên cao mà chỉ cầu mong đường không tắc. Đến cao tốc, tôi chạy rất đều chân ga và duy trì ở dải vận tốc tiết kiệm nhất là 80-85 km/h, thậm chí không dám bật điều hoà,... mắt lúc nào cũng dán vào kim xăng, tim đập thình thịch", anh Kiên kể.
Thật may, khi gần đến Hải Phòng, đúng lúc kim xăng chạm đến vạch "E", anh Kiên đã vào được 1 cây xăng ở trạm dừng nghỉ để đổ đầy bình. "Lúc đấy mới biết, có tiền chưa chắc đã mua được tất cả", anh Kiên hài hước nói.
Siêu xe cũng chỉ được đổ xăng 300 ngàn đồng
Chia sẻ tới VietNamNet, anh Phạm Tiến Anh (Long Biên, Hà Nội), một người kinh doanh các dòng xe siêu sang, siêu xe cho biết đã có một trải nghiệm "toát mồ hôi" ở TP.HCM trong giai đoạn nhiều trạm xăng đóng cửa không bán hàng.
Chiều 3/11, anh chạy một chiếc Rolls-Royce Wraith và một người bạn chạy siêu xe McLaren 650S với lộ trình dự tính từ Quận 7 về Quận 2. Cả hai chiếc xe đều trong tình trạng gần hết xăng, kim đồng hồ đã báo sắp cạn.
Phải đi đến cây xăng thứ 7 anh Tiến Anh mới có thể nạp thêm nhiên liệu cho chiếc Rolls-Royce nhưng người bán chỉ đồng ý bơm 300 ngàn đồng. "Ô tô bơm 300 ngàn đồng, xe máy 50 ngàn đồng. Đó là quy định của cây xăng, có năn nỉ lấy lý do xe hết xăng, xếp hàng cả tiếng cũng không được châm trước. Đổ xong lên xe báo đi thêm được 47 km mà tôi toát hết mồ hôi, chỉ sợ tắc đường", anh Tiến Anh kể lại.
Thấy chai xăng bán dọc đường như "bắt được vàng"
Do vội đưa đón con vào sáng sớm nên anh Đỗ Đức Huy (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chưa kịp đổ xăng cho chiếc xe máy Honda Airblade của mình. Giờ đi làm về, anh tìm đến nhiều cây xăng ở gần công ty nhưng đều đóng cửa, trong khi kim xăng đã tụt đến mức không thể thấp hơn.
"Lúc đó xe của tôi đi gằn gằn như thể xăng đã cạn lắm rồi. Cây xăng tiếp theo cũng ở cách đó 2-3 km nữa mà không biết họ có bán không. May quá trên đường Phạm Hùng có một người đàn ông để mấy chai xăng màu vàng xanh ở rìa đường. Họ bán 1 chai 1,5 lít với giá 80 nghìn. Lúc đó bao nhiêu tiền cũng phải mua chứ biết làm sao.", anh Huy chia sẻ.
Anh Huy cho biết thêm, không chỉ xe máy như anh mà nhiều ô tô cũng đành phải mua tạm vài chai xăng bán dọc đường để đổ tạm. Dù chưa biết chất lượng xăng ra sao nhưng trong tình cảnh đó, có xăng để đổ đã là điều may mắn.
Kinh nghiệm đi đổ xăng trong bối cảnh hiện nay
Các chuyên gia về kỹ thuật ô tô cho biết, chạy xe trong tình trạng cạn xăng, thậm chí hết sạch xăng trong bình sẽ rất nguy hiểm và gây hại lớn cho bơm xăng cũng như các bộ phận khác trên xe.
Nguyên nhân là hầu hết các ô tô hiện nay đều được bố trí một bơm bên trong bình xăng, được làm mát bằng chính nhiên liệu. Mức nhiên liệu quá thấp liên tục sẽ khiến máy bơm bị nóng, làm việc kém hiệu quả. Nặng hơn có thể dẫn đến tình trạng bơm xăng hỏng đột ngột, xe phải “nằm đường” và tốn nhiều chi phí để cẩu kéo, sửa chữa.
Theo các chuyên gia, để bơm nhiên liệu luôn trong tình trạng tốt, bạn nên giữ cho xăng/dầu trong bình luôn còn ít nhất khoảng 1/4. Nếu mức nhiên liệu xuống thấp hơn mức trên, cần đi đổ thêm ngay chứ đừng chờ đến khi kim báo chạm vạch đỏ mới vội đến cây xăng.
Trước tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa hoặc đông từ sáng đến đêm như hiện nay, các chuyên gia khuyên rằng, nếu xăng trong bình quá cạn, có thể lấy can để đợi mua rồi đổ vào xe thay vì đứng nổ máy chờ, sẽ càng tốn xăng hơn. Và nếu có thể, hỏi người quen hoặc lên mạng xã hội tìm những cây xăng còn hoạt động, hoặc lên lộ trình di chuyển đến những cây xăng ở vùng ven thay vì chỉ tập trung ở khu vực trung tâm.
Hoàng Hiệp
Bạn có trải nghiệm nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Mẹo đổ xăng tiết kiệm nhất được cánh tài xế "rỉ tai" nhauLàm thế nào để khi tới cây xăng, chúng ta vừa không bị "móc túi" mà vẫn được lợi về lượng nhiên liệu là điều mà rất nhiều lái xe quan tâm.