Gian hàng Việt Nam tại Hội sách thiếu nhi châu Á vào tháng 5. Ảnh: AFCC. |
Là tổ chức nghề nghiệp của người làm sách, Hội Xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ cho ngành xuất bản Việt Nam bằng những định hướng sát sao với thực tiễn trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Hội cũng là gương mặt đại diện của ngành tại các hội sách lớn trên thế giới, được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các hội viên trong việc trao đổi bản quyền với các nước.
Ông Phạm Trần Long - Phó ban Đối ngoại của Hội Xuất bản Việt Nam - cho rằng để công tác hội nhập thành công, đưa xuất bản Việt Nam ra khu vực và thế giới, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ cần phối hợp chặt chẽ 3 yếu tố: xây dựng chiến lược, huy động nguồn lực và nâng cao chất lượng nhân sự.
Trong khi quy mô ngành xuất bản trong nước đang ngày càng mở rộng, việc được hòa nhập vào thị trường xuất bản khu vực và quốc tế là một nhu cầu tất yếu.
TS Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ - có niềm tin rằng xuất bản Việt Nam hoàn toàn có tương lai đi ra thế giới. Theo bà, Việt Nam có nhiều đề tài được thế giới quan tâm như văn hóa, lịch sử, trong đó, nhiều tác phẩm liên quan đến chủ đề chiến tranh như Nỗi buồn chiến tranh, Nhật ký Đặng Thùy Trâm…từng được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.
Để giới thiệu các tác phẩm hay của mình cho bạn bè quốc tế, TS Quách Thu Nguyệt cho rằng các hội sách lớn trên thế giới như Hội sách Frankfurt, Hội sách London và các hội sách thiếu nhi trong khu vực là cơ hội tốt để tạo ấn tượng về ngành xuất bản tại Việt Nam.
Trong 5 năm qua, các nhà xuất bản, các đơn vị liên kết xuất bản đã cố gắng nắm bắt xu thế phát triển xuất bản hiện đại trên thế giới, nhanh nhạy trong việc khai thác và mua bản quyền, tìm hiểu và nghiên cứu kỹ nhu cầu thị hiếu của bạn đọc.
"Từ 2015 đến nay, năm nào Thái Hà Books cũng có đoàn đi hội sách Frankfurt và luôn mang các tác phẩm của Việt Nam đi giới thiệu. Mục đích chính là quảng bá văn hóa và sách Việt Nam", TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books - chia sẻ.
Hội sách London 2022. Quy mô của những hội sách lớn đem lại cơ hội hợp tác cao. Ảnh: PW. |
Trên thực tế, việc bán bản quyền sách Việt ra nước ngoài không dễ. Hàng năm có nhiều hội sách lớn quy tụ hầu hết nhà xuất bản lớn trên thế giới như Hội sách Frankfurt (Đức), Hội sách London (Anh), Hội sách thiếu nhi Bologna (Italy), Hội sách Bắc Kinh (Trung Quốc)... Các hội sách này thường có kế hoạch trước một năm hay thậm chí là vài năm tạo điều kiện thuận tiện để các đơn vị tham gia có thể chuẩn bị.
Chia sẻ với Tri thức Trực tuyến, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Books - cho rằng gian hàng tại các hội sách lớn trên thế giới là đầu mối thể hiện được sự phát triển của nền xuất bản Việt Nam. Tuy nhiên, những năm qua gian hàng của các đơn vị Việt Nam tại các hội sách lớn vẫn còn khá khiêm tốn.
“Rõ ràng là không có tác giả, nhà xuất bản nào có thể đi hết các hội sách lớn trên thế giới được. Vì vậy Hội Xuất bản của một số nước như Malaysia và Indonesia đang làm một việc đó là đứng ra quảng bá và đại diện các nhà xuất bản, tác giả để bán bản quyền sách trong nước thông qua các hội sách quốc tế. Tôi hy vọng sắp tới Hội Xuất bản Việt Nam cũng sẽ làm điều tương tự”, ông bày tỏ.
Theo ông, việc có một đơn vị đại diện như Hội Xuất bản Việt Nam đứng ra quảng bá, giới thiệu sách không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn đem lại nhiều cơ hội trong việc trao đổi bản quyền cho các hội viên của Hội.
Gian hàng Việt Nam tại Hội sách thiếu nhi châu Á. Ảnh: AFCC. |
“Bản thân tôi hay các công ty sách trên thế giới sẽ có nhiều niềm tin hơn bởi sách đã qua một lớp sàng lọc của Hội. Hơn nữa, rõ ràng là họ cũng sẵn sàng hơn khi sắp xếp một cuộc họp với Hội Xuất bản trong tư cách là một đơn vị đại diện cho ngành xuất bản của một nước. Đây là một vai trò rất quan trọng của Hội”, ông nói thêm.
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Hội Xuất bản trong những năm qua. Trong nhiệm kỳ 2017-2023, Hội đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác đối ngoại, tăng cường giao lưu, phối hợp với Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á và Hiệp hội xuất bản châu Á - Thái Bình Dương trong hoạt động xuất bản.
Trong hai năm liên tiếp (2017-2018), Hội đã phối hợp với Hội Xuất bản Nhật Bản tổ chức thành công Ngày hội bản quyền sách Nhật Bản - Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Năm 2019, Đoàn đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên của Hội Xuất bản Đông Nam Á, Hội thảo Quốc tế về Giáo dục và Hội chợ sách quốc tế Indonesia tổ chức tại Jakarta, Indonesia.
Trong năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hội vẫn duy trì tốt quan hệ với Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương và Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á và liên hệ mời các nước thành viên thuộc hai Hiệp hội tham dự Sàn giao dịch bản quyền trong Hội sách trực tuyến của Việt Nam.
Cuối năm đó, Hội Xuất bản Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á trong các năm 2022, 2023. Đây được coi là cơ hội để xuất bản Việt Nam, một lần nữa, khẳng định vị thế của mình và thúc đẩy xuất bản khu vực.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - tại lễ nhậm chức Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, Hội cũng cử đại diện đi tham dự các hội thảo tại nhiều nước trên thế giới, tiếp đón và làm việc với đại diện của các nước khác đến Việt Nam. Trong đó có Tham tán Thương mại Đại sứ quán Hoàng gia Thái Lan tại Việt Nam và đoàn công tác trong lĩnh vực xuất bản đến từ Thái Lan; bà Claudia Kaiser - Phó chủ tịch Hội chợ sách Quốc tế Frankfurt Đức; Đoàn Hội Xuất bản Myanma, các đơn vị xuất bản đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc…
Tại Đường sách TP.HCM (một đơn vị thuộc Hội Xuất bản Việt Nam), nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về sách và văn hóa đã được tổ chức, tạo cơ hội để ngành xuất bản Việt Nam giao lưu với các nước. Trong số đó có thể kể đến Tuần lễ triển lãm: “Wallonie - Bruxelles/Việt Nam - Hợp tác văn học phát triển rực rỡ”; Tuần lễ Sách văn học châu Âu, phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu.
Một dấu ấn nổi bật gần đây nhất của ngành xuất bản Việt Nam là tại Hội sách thiếu nhi châu Á tổ chức tại Singapore với Việt Nam làm quốc gia Tiêu điểm. Theo ông Phạm Trần Long, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia tổ chức các hoạt động quảng bá, tọa đàm trao đổi, đưa ra các đề xuất hợp tác được đánh giá cao.
Được biết sắp tới, Hội Xuất bản Việt Nam có kế hoạch tổ chức một hội sách quốc tế và mời các đối tác nước bạn đến dự. Ông Phạm Trần Long kỳ kỳ vọng rằng với sự dẫn dắt của Hội, ngành xuất bản Việt Nam sẽ có thêm nhiều tiếng vang ở thị trường quốc tế và khu vực.
Đọc được sách hay, hãy gửi review choZing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing Newsmở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng
顶: 9958踩: 4
评论专区