Tôi về Gò Công cuối tuần rồi. Lúa đang cong trái me. Nhưng cánh đồng đã hẹp đi rất nhiều. Chen ngang các thửa lúa bắt đầu ngả vàng là màu xám xịt của những đám ruộng chuyển sang đất vườn. Việc chuyển đổi chắc mới diễn ra gần đây,ạtgạocắnlàmtángười chơi ngoại hạng anh đất còn xám xịt và lấm tấm muối đọng lại; trên một mảnh ruộng, chiếc Kobe xúc đất vẫn đang nằm đó. Tôi đến nhà bác Sáu, một "lão nông tri điền" hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành làm lúa. Bên tách trà nóng trong cơn mưa chiều, bác Sáu nói dân vùng này bây giờ ít trồng lúa, đa số chuyển sang trồng hoa màu vì trồng lúa khá lắm cũng chỉ đủ ăn, chứ không thể giàu. Giá lúa không tăng suốt nhiều năm qua, trong khi các chi phí khác tăng vùn vụt. Một vụ lúa hơn ba tháng, sau khi thu hoạch, trừ chi phí, người trồng lúa không còn lời lãi được bao nhiêu. Nông dân như bác Sáu đúc rút bằng kinh nghiệm, bằng sự loay hoay năm này sang năm nọ trên cánh đồng. Nhà nghiên cứu nói bằng số liệu, khảo cứu. Kết luận vẫn vậy. Nhiều năm trước, PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu ĐBSCL từng phân tích, hạt gạo bị "cắn làm tám phần", khiến cho nông dân không còn tích lũy. Bốn phần đầu chi cho các nhà: Nhà băng (do phải vay vốn, trả lãi); nhà vật tư (phân bón, thuốc trừ sâu); nhà mình (chi tiêu ăn uống, chữa bệnh, học hành cho con cái); nhà hàng xóm (giỗ chạp, hiếu hỉ đều trông chờ vào hạt lúa). Phần thứ năm dành cho các nhà xuất khẩu gạo - yếu tố sẽ gần như quyết định giá lúa hàng năm. Phần thứ sáu làm nhiệm vụ bình ổn giá tiêu dùng. Phần thứ bảy liên quan đến vai trò ngoại giao trong chiến lược an ninh lương thực. Phần thứ tám là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Một đòn gánh nhiều mối đè nặng lên vai, người trồng lúa phải cố giữ thăng bằng trong khi những thứ đè trên vai thì luôn "nhảy múa". Bác Sáu nói, làm nông giờ cũng nhàn, máy móc cơ giới hóa hết, không còn vất vả như trước. Mà kể cả thế, lớp trẻ vẫn không muốn trồng lúa nữa. Con cháu trong xóm lớn lên rồi đi Sài Gòn. Đứa học xong thì ở lại thành phố luôn, đứa học ít thì đi làm công nhân, vài đứa lái xe ôm công nghệ. Chỉ còn người già bám ruộng. Nhưng số ít này cũng nhả cây lúa, chuyển sang trồng hoa màu. Trồng màu thu nhập cao hơn, xoay vòng nhanh hơn, trồng được nhiều loại, thất cây này còn cây khác. Tôi rẽ ngang, nói đến giá lúa đang tăng, bác hỏi lại: "Nhưng rồi tăng được bao lâu? Giá lúa tăng, nhưng các chi phí vật tư có chịu nằm yên hay cũng tăng theo, để rồi đâu lại vào đấy. Năm nay tăng, rồi sang năm thì sao?". Bác thấy người ta giải cứu cây này, trái nọ, sao không nghe ai nói giải cứu cây lúa bao giờ. Giá lúa đang tăng từng ngày do nhiều quốc gia cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Đó là hậu quả của những tác động tiêu cực từ El Nino. Nhưng Việt Nam cũng là nước chịu ảnh hưởng của El Nino. Các điều kiện thời tiết bất lợi đang xuất hiện nhiều hơn, mà việc trồng lúa bị ảnh hưởng rất nhiều từ thời tiết. Bên cạnh đó, sản xuất lúa ở Việt Nam hiện nay vẫn còn manh mún và sẽ càng manh mún nữa khi diện tích đất ngày càng chia nhỏ do dân số tăng; trong khi để đạt được lợi nhuận tối ưu từ cây lúa, phải cần diện tích canh tác lớn. Các quốc gia cấm xuất khẩu lúa gạo, tạo lợi thế trước mắt cho gạo Việt Nam. Nhưng làm thế nào để tận dụng tốt cơ hội và duy trì lợi thế đó dài lâu? Tôi thấy ngành nông nghiệp vẫn đang nợ cây lúa, và nợ những người nông dân. Xuất khẩu nhiều, giá trị tăng, lợi nhuận doanh nghiệp tăng, nhưng tôi ít thấy nói đến việc người nông dân hưởng lợi thế nào, bao nhiêu, và bao lâu. Bên cạnh niềm hân hoan vì giá lúa tăng, vẫn còn rất nhiều thứ để làm, trong đó có những vấn đề quan trọng như: tạo giá trị bền vững cho cây lúa, cho người nông dân; mở rộng quy mô sản xuất để tránh manh mún, tránh vòng luẩn quẩn chuyển từ cây lúa sang hoa màu, rồi lại từ hoa màu về cây lúa; phát triển liên kết doanh nghiệp với người nông dân để tạo chuỗi giá trị cũng như thương hiệu cho hạt gạo và sau hạt gạo. Muốn đảm bảo an ninh lương thực, tăng trữ lượng xuất khẩu, vấn đề tiên quyết là giúp người trồng lúa bớt đi gánh nặng trên chiếc đòn gánh, để có thể sống và làm giàu từ cây lúa. Lời than thở của bác Sáu dài như cơn mưa vẫn chưa dứt. "Mưa vầy là bất thường. Năm nay lại khó hơn năm trước một chút. Nhưng bao nhiêu khó khăn đã vượt qua nhờ cây lúa. Ai phụ cây lúa chứ tui thì không", cuối cùng bác Sáu vẫn nói vậy. Minh Kha |