Trồng nấm ở phòng trọ
Chị Trần Mai Ril (28 tuổi,ôgáitrẻbỏphốvềquêđổiđờinhờtrồngnấkkqbd tỉnh Cà Mau) có một đam mê đặc biệt với cây nấm. Chị Ril dũng cảm từ bỏ công việc đúng chuyên ngành để về quê trồng nấm.
Trước đó, chị Ril học ngành Việt Nam học, khoa Văn hóa du lịch, trường Đại học Sài Gòn. Thời sinh viên, chị rất thích ăn nấm nên tự tìm hiểu và trồng nấm bào ngư ở phòng trọ.
Lúc đầu, Ril chỉ nghĩ trồng nấm cho vui nhưng rồi nó lại trở thành sở thích. Thấy nấm lớn dần, Ril vui sướng lâng lâng.
Sau khi tốt nghiệp, Ril trải qua nhiều công việc tại các khách sạn, resort ở Phú Quốc (Kiên Giang), Hà Nội, TP.HCM. Khoảng thời gian này, Ril không có điều kiện để duy trì việc trồng nấm.
Thời điểm dịch bệnh bùng phát, Ril chuyển sang làm việc online và trồng nấm trở lại. Rau củ khan hiếm, nấm là thức ăn cứu đói của chị trong nhiều tháng giãn cách xã hội.
Thu nhập bấp bênh do dịch, Ril bắt đầu suy nghĩ, định hướng lại công việc trong tương lai. Lúc đó, bố của Ril ở Cà Mau, mẹ thì ở Đồng Nai, Ril và em trai ở TP.HCM. Ril không muốn người thân mỗi người một nơi. Chị thầm mong tìm ra một công việc mà cả nhà có thể làm cùng nhau.
Sau nhiều đắn đo, tháng 11/2021, Ril quyết định khăn gói về Cà Mau trồng nấm. Nếu phát triển được nghề này thì cả nhà của Ril sẽ có cơ hội ở gần nhau.
Lúc mới về, Ril chưa bắt tay vào làm ngay mà nghỉ hẳn một tháng để tinh thần thật thoải mái. Đến tháng 12/2021, chị bắt đầu nhập phôi nấm và trồng thử đợt đầu tiên.
“Ở quê, mọi người chỉ biết đến nấm rơm, không biết nhiều về các loại nấm khác. Nhiều người e ngại, không dám mua ăn. Vì vậy, tôi quyết định mời bà con, hàng xóm dùng thử nấm bào ngư đợt trồng đầu tiên”, chị Ril chia sẻ.
Mọi người dùng thử nấm bào ngư do Ril trồng đều có những phản hồi rất tích cực. Được tiếp thêm động lực, Ril nhập một lượng lớn phôi nấm về trồng. Chị tận dụng căn nhà bỏ trống làm nơi trồng nấm. Bố của Ril cũng hỗ trợ con gái làm kệ, chăm sóc, hái nấm…
Ngoài chăm sóc, hái nấm, Ril một mình phụ trách việc giao nấm cho khách trong bán kính 30km. Khi đơn hàng nhiều lên, Ril đề nghị mẹ và em trai về hỗ trợ.
Nấm linh chi bonsai độc lạ
Chị Ril chia sẻ trồng nấm là việc nhẹ nhưng không nhàn, làm mãi vẫn không hết việc. Thậm chí, chị phải đi thăm nấm lúc nửa đêm.
Sau thành công của nấm tươi, tháng 5/2022, chị Ril bắt đầu trồng thử nghiệm nấm linh chi. Qua tìm hiểu, chị biết được ngoài cách dùng thông dụng, nấm linh chi có thể trồng theo kiểu bonsai.
Tháng 8/2022, Ril quyết định trồng nấm linh chi bonsai để tung ra thị trường vào dịp Tết. Sau khoảng 3 tháng, đợt sản phẩm nấm linh chi bonsai đầu tiên cũng ra mắt thành công.
Chị Ril chia sẻ: “Trồng linh chi bonsai vất vả hơn làm nấm thông thường. Nấm linh chi bonsai phải chia nhiều nhánh, đều và xòe đẹp, khác với nấm ăn chỉ cần ra một tai nấm”.
Mỗi cây nấm bonsai đều có những khác biệt, tùy vào tác động của ánh sáng, môi trường và cách trồng. Muốn tạo nấm bonsai phải trồng trong điều kiện thiếu ánh sáng, thiếu không khí thì cây mới chia nhiều nhánh, vươn lên cao.
Chị Ril tìm hiểu kỹ thuật cơ bản trồng nấm linh chi bonsai từ internet và tham khảo thêm các chuyên gia. Từ nền tảng này, chị sáng tạo và phát triển loại hình nấm bonsai theo cách riêng.
Nấm linh chi bonsai bao gồm 2 loại: bonsai tươi và bonsai khô. Loại khô được làm từ cây nấm đã qua xử lý sấy hoặc phơi cho khô, phủ bóng sơn chống ẩm mốc. Loại này có thể trưng bày khoảng vài năm.
Người thích dùng nấm linh chi bonsai làm cảnh, rồi sử dụng để uống thì chọn mua cây tươi, hoặc nấm khô không sơn bóng.
Giá của mỗi chậu bonsai tùy theo kích cỡ của chậu và cây nấm, cũng như yêu cầu của khách. Loại thấp nhất có giá 200 nghìn đồng, cao nhất khoảng 2 triệu đồng.
Hiện tại, cây nấm đang cho gia đình Ril việc làm và thu nhập ổn định. Trong tương lai, Ril sẽ phát triển nấm linh chi bonsai với các hình dáng độc lạ, thu hút người chơi.