Chiều 18/11,àiTráchnhiệmcôngvụtinhthầnchuyênnghiệkqtbn Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì kết hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ trao giải báo chí về chủ đề Văn hoá ứng xử. 37 tác phẩm xuất sắc từ 8 cơ quan báo chí được trao giải báo chí văn hoá ứng xử VietNamNet xin trích đăng lại các tác phẩm đoạt giải để nhân rộng hơn nữa kết quả tốt đẹp của giải báo chí Văn hoá ứng xử lần đầu được tổ chức. |
Loạt bài Văn hoá công sở - Văn hoá người Hà Nội do nhóm tác giả Kiều Duy Chánh, Cù Xuân Trường, Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Hồ Hải Hà báo Hà Nội mới thực hiện đoạt giải Nhất giải báo chí Văn hoá ứng xử.
Bài 4: Trách nhiệm công vụ, tinh thần chuyên nghiệp
Trách nhiệm công vụ - tinh thần “công bộc” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng văn hóa công sở. Bởi lẽ, một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, giàu tinh thần nhân văn trước hết dựa trên cơ sở đề cao tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy. Và, xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức với tác phong, cốt cách mẫu mực, chuyên nghiệp, sáng tạo vì người dân phục vụ chính là yếu tố cốt lõi tạo nên “chính quyền phục vụ”.
Trách nhiệm vì dân
Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, người Hà Nội mang cốt cách của người Việt Nam truyền thống, nhưng phải đi đầu trong thời hiện đại. Cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội cần thấm nhuần lời dạy của Bác: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.
Ý thức rõ vai trò Thủ đô - trái tim của cả nước, mang tâm thế Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để nét văn minh, thanh lịch Tràng An lan tỏa tới từng ngõ ngách của đời sống xã hội. Trong đó có Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai toàn diện, đồng bộ công tác cải cách hành chính ở tất cả các cấp, ngành, với mục tiêu xuyên suốt là hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, tạo sự đột phá về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhằm phục vụ nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, chức trách của mình, nhiều cá nhân, tập thể "Người tốt, việc tốt" đã được ghi nhận. Đó là Thạc sĩ, kiến trúc sư Vũ Đức Duy, chuyên viên Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội với những trăn trở trong việc xây dựng mô hình “Tìm kiếm sáng kiến, giải pháp cải cách thủ tục hành chính”, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ chế "một cửa", "một cửa" liên thông.
Công chức tư pháp - hộ tịch phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân Nguyễn Đoàn Khánh Chi với việc xây dựng kế hoạch “Hệ thống hóa dữ liệu hộ tịch vào phần mềm”, rút ngắn một nửa thời gian giải quyết công việc, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn tồn tại. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thẳng thắn chỉ ra: “Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” cấp xã ở một số nơi vẫn chưa tốt. Người dân vẫn còn phản ánh về biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà, đặc biệt là tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn xảy ra”.
Nâng cao tính chuyên nghiệp
Tấm gương vì dân, vì nước, yêu thương và gắn bó, tôn trọng nhân dân của Bác Hồ là kiểu mẫu về đạo đức, phong cách của người cộng sản, người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước hiện nay, một trong những giá trị cần xác lập trong tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức chính là tính chuyên nghiệp, hiệu quả.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tính chuyên nghiệp của đội ngũ “công bộc” không chỉ thể hiện qua năng lực thực tế, mà còn thể hiện ở sự chuẩn hóa trong quy trình, bảo đảm các tiêu chuẩn nghề nghiệp.
Nếu có được điều đó, chắc chắn sẽ không còn những chuyện tốn nhiều giấy mực của báo chí, như: Quy định chỉ được bán thành phẩm tươi sống từ động vật trong 8 giờ đồng hồ từ khi giết mổ; không bán bia cho người say rượu… hay quy định chứng minh thư ghi tên cha, mẹ. Chưa kể, thái độ ứng xử của người dân khi thực hiện giao dịch tại môi trường công sở cũng có tác động không nhỏ đến sự “chuyên nghiệp hóa” của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ông Nguyễn Duy Vang, Tổ trưởng tổ dân phố 28 (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cho rằng: Tuân thủ các quy định dành cho công dân tại môi trường công sở; phát huy vai trò giám sát, sẵn sàng lên tiếng trước những biểu hiện tiêu cực, không đúng mực… là người dân đã thể hiện sự tôn trọng, ý thức vun đắp cho các giá trị tốt đẹp nơi công sở.
Để chuẩn hóa những giá trị văn hóa công sở, nâng cao đạo đức công vụ, ngày 16-5-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị gắn với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.
Trong đó yêu cầu: Xây dựng các mô hình văn hóa thanh lịch, văn minh, nhất là mô hình văn hóa ứng xử tại bộ phận “một cửa”, văn hóa giao tiếp thân thiện của người dân với khách du lịch và văn hóa trong cộng đồng các khu chung cư... Phát động phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” trên toàn thành phố, gắn với thực hiện Chỉ thị.
Cũng với quyết tâm căn chỉnh thái độ, hành vi của đội ngũ “công bộc”, ngày 31-7-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Văn hóa công vụ.
Kế hoạch nêu rõ, cần tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Đề án Văn hóa công vụ tại các cơ quan, tổ chức, sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã…; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với việc thực hiện Đề án Văn hóa công vụ.
Khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực hiện văn hóa công vụ thời gian qua ở các cơ quan, đơn vị, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.
Văn hóa công sở gắn với trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. Quyết tâm đã có, vấn đề lúc này là những giải pháp mang tính đột phá từ cơ sở và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc bồi đắp giá trị văn hóa công sở như một nét đẹp của Thăng Long - Hà Nội, để văn hóa công vụ, văn hóa ứng xử của người Hà Nội thật sự là tiêu biểu, xứng đáng với tầm thế Thủ đô của đất nước.
Theo HaNoimoi
37 tác phẩm xuất sắc từ 8 cơ quan báo chí được trao giải báo chí về chủ đề 'Văn hoá ứng xử'.