Mận tam hoa được trồng tại trung tâm cao nguyên trắng huyện Bắc Hà vốn có nguồn gốc lâu đời. Cây thường ra hoa vào đầu mùa xuân và thu hoạch quả vào đầu mùa hè. Mận tam hoa Bắc Hà cho quả tròn to khi chín có màu đỏ tươi đến đỏ đậm,êmsảnphẩmmậntamhoaBắcHàcómặttrênsàrio ave vs lớp cùi dày và hạt nhỏ.
Giám đốc Bưu điện tỉnh Lào Cai Trần Minh Quang cho biết, theo thông tin từ UBND huyện Bắc Hà, trong các năm trước, mận tam hoa Bắc Hà thường được tiêu thụ qua các kênh truyền thống như qua thương lái, khách du lịch và tại lễ hội đua ngựa Bắc Hà – sự kiện thường giúp người dân địa phương tiêu thụ sản lượng lớn mận.
Tuy nhiên, trong năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ nông sản của người dân huyện Bắc Hà. Khách du lịch tới Bắc Hà giảm tới 80%, ít thương lái đến thu mua nông sản tại vườn và lễ hội đua ngựa Bắc Hà truyền thống không tổ chức do dịch bệnh… là những lý do chính khiến nông sản của địa phương bị ùn ứ, tiêu thụ chậm.
Từ ngày 29/5, sản phẩm mận tam hoa Bắc Hà đã có mặt trên sàn Postmart. |
Để góp phần cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ đồng bào Bắc Hà tiêu thụ nông sản, Bưu điện tỉnh Lào Cai vừa phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà ký hợp đồng đưa sản phẩm tam hoa của các hộ nông dân trong huyện lên tiêu thụ trên sàn Postmart.
Với hợp đồng này, kể từ ngày 29/5, người tiêu dùng trên cả nước có thêm lựa chọn khi tìm mua đặc sản vùng miền trên sàn Postmart. Mận tam hoa Bắc Hà bán trên sàn là mận loại 1 đóng hộp 5kg gồm khoảng 100 đến 125 quả, được bán với giá 200.000 đồng/hộp.
Đơn vị này cũng cho biết, đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà thống nhất và hướng dẫn cán bộ công nhân viên trong đơn vị cách đưa sản phẩm lên sàn Postmart và cách đóng gói hàng hóa khi vận chuyển, sao cho sản phẩm giao đến người tiêu dùng vẫn tươi, ngon.
Để hỗ trợ nông dân Bắc Hà tiêu thụ được nhiều sản phẩm qua sàn thương mại điện tử, Bưu điện tỉnh Lào Cai đã chủ động đề xuất với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) để phối hợp với các đối tác xây dựng giá cước chuyển phát phù hợp. Việc này sẽ tạo tiền đề cho việc đưa thêm các loại đặc sản khác của Lào Cai lên tiêu thụ trên sàn Postmart thời gian tới.
Trao đổi với ICTnews, ông Trần Minh Quang cũng cho biết, sau sản phẩm mận tam hoa Bắc Hà, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để đưa lên sàn Postmart các loại nông sản, đặc sản khác của Lào Cai như lê Tai Nung, chè Bản Liền…
“Chúng tôi đã xác định chuyển đổi hình thức kinh doanh sang công nghệ số, tập trung vào các kênh online, sàn thương mại điện tử là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt từ lãnh đạo đơn vị đến các cán bộ công nhân viên, người lao động trên toàn mạng lưới”, ông Trần Minh Quang chia sẻ.
Thời gian gần đây, sàn Postmart đã liên tục triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân các vùng miền tiếp cận công nghệ số, làm quen với phương thức bán hàng qua sàn thương mại điện tử.
Trước mận tam hoa Bắc Hà, nhiều loại nông sản, đặc sản của các địa phương đã có mặt trên sàn Postmart như: vải thiều Thanh Hà, Hải Dương; vải thiều Lục Ngạn, dứa Lục Nam, dưa lê của Bắc Giang; hành tím Sóc Trăng; dưa hấu Quảng Bình; mít thái của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; mận hậu và xoài Yên Châu của Sơn La…
Hiện người tiêu dùng chỉ cần lên các sàn thương mại điện tử là có thể đặt mua nhiều loại đặc sản của nhiều vùng miền. |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không chỉ có Postmart mà nhiều sàn thương mại điện tử khác như Vỏ Sò, Lazada, Sendo, Shopee… cũng đã tham gia hỗ trợ bà con nông dân tại nhiều địa phương tiêu thụ nông sản.
Theo số liệu của Sendo, sàn thương mại điện tử này từ ngày 24/5 đến hết ngày 28/5 đã tiêu thụ được 15,5 tấn vải thiều Thanh Hà. Trong các đợt mở bán nông sản trước vào tháng 3 và tháng 4/2021, Sendo đã hỗ trợ các hộ nông dân tiêu thụ 25 tấn rau Hải Dương và 2 tấn bưởi da xanh Giồng Trôm, Bến Tre.
Với sàn Vỏ Sò của Viettel Post, ngoài việc tiêu thụ gần 40 tấn rau, củ, quả của nông dân Hải Dương trong tháng 3/2021, đơn vị này còn giúp bà con nông dân Sóc Trăng bán được gần 60 tấn hành tím trong tháng 4/2021. Riêng với vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), Vỏ Sò dự kiến trong cả mùa vải năm nay sẽ hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoảng 80 -100 tấn.
Rõ ràng, dịch bệnh Covid-19 đã và đang góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số khu vực nông nghiệp, nông thôn. Người nông dân các địa phương đang dần thích ứng, làm quen với các công nghệ số để chuyển đổi phương thức, mô hình sản xuất và kinh doanh.
Vân Anh
Nhấn mạnh lợi ích của việc gắn sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng gia đình nông dân, cả hai sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart của các doanh nghiệp bưu chính đều cho biết đang triển khai để sớm bổ sung tính năng này.