Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị như chính tên gọi của nó. Tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà báo Lê Công Sơn,àiGònaposkhámphávùngđấthơnnălich bđ do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.
Nhà báo Lê Công Sơn hiện công tác tại báo Thanh Niên. Anh viết bài mảng văn hóa. Trong đó, chủ đề về TP.HCM được Lê Công Sơn theo đuổi đã lâu. Từ những gạn lọc trong quá trình viết bài, cuốn sách Loanh quanh Sài Gòn được ra mắt.
Tác phẩmLoanh quanh Sài Gòn của nhà báo Lê Công Sơn. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Đến với Loanh quanh Sài Gòn, độc giả sẽ được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.
Đó có thể là tòa nhà La Sainte Enfance, công trình kiến trúc đầu tiên của người Việt ở TP.HCM, được xây dựng thời gian 1862-1864 do Nguyễn Trường Tộ thiết kế. Hiện, tòa nhà này tọa lạc ở đường Tôn Đức Thắng, quận 1.
Bạn đọc cũng biết tới trường THPT Lê Quý Đôn thuộc quận 3 gần 150 tuổi.
"Chốn tâm linh" sẽ tiếp nối mạch nội dung của Loanh quanh Sài Gònmà ở đó là những trăn trở về sự xuống cấp của ngôi đình cổ Thông Tây Hội, chùa cổ Giác Viên, là sự hoang tàn của mộ cổ khắp thành phố. Bên cạnh đó, sách cũng viết về tuyệt tác kiến trúc nhà thờ Hạnh Thông Tây gắn với tên tuổi Lê Phát An - cậu ruột Nam Phương hoàng hậu...
Nhẩn nha ở phần "Chuyện người Sài Gòn", độc giả sẽ cùng tản mạn những chuyện của người TP.HCM xưa và nay. Đó là chuyện về nhà văn hóa Vương Hồng Sển và tình yêu sách, yêu đồ cổ. Tình yêu ấy từng được Vương Hồng Sển tâm sự trong Khảo về đồ sứ men lam Huế:"Con gái nhà người ta mình cũng thèm, cặp chóe người ta cũng muốn".
Sách cũng đưa ra những thông tin ít biết về tay vợt nổi tiếng Nguyễn Văn Chim, nay có tên đường bị lệch thành... Nguyễn Văn Chiêm.
Chóe gốm thời Thanh (thế kỷ 19) được học giả Vương Hồng Sển bỏ nhiều công sức và tiền bạc sưu tầm. Ảnh: Công Sơn. |
Ở phần cuối sách "Di sản và Báu vật", ta biết thêm câu chuyện hậu trường về quá trình đúc tượng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, về việc phát triển metro hiện đại nhưng trân trọng gìn giữ những di sản văn hóa, kiến trúc để tạo sự hài hòa quá khứ và hiện tại...
Mỗi trang sách lại đưa độc giả đến những thông tin gắn liền với Sài Gòn xưa, TP.HCM nay mà nhiều khi, dẫu là người đã sinh ra và lớn lên nơi đây, không dễ mấy ai biết được hết ngọn nguồn.
Đó là điểm nhấn của tác phẩm dưới tiêu đề rất nhẹ nhàng như cuộc dạo chơi quanh thành phố.
Chia sẻ về tác phẩm của người bạn đồng nghiệp Lê Công Sơn, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc trong phần "Tựa" đã viết: "Ai lại không yêu mảnh đất mà mình đã trưởng thành, đã vui sống ổn định mỗi ngày? Chính vì yêu lấy nó nên bao giờ ta cũng mong muốn nơi ấy ngày càng hoàn thiện hơn, đáng sống hơn".
"Đọc tập sách này cũng là dịp để chúng ta yêu thêm TP.HCM khi biết những vấn đề thuộc lịch sử của một mảnh ‘đất lành’ mà tác giả đã nặng tình, chăm chút qua từng trang viết…", Lê Minh Quốc viết.