Được làm tư vấn cho Thủ tướng là được tham gia bàn thảo về những cải cách thể chế quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế.
Nhìn lại những cố gắng cải cách,ĐểViệtNamhoárồkết quả central coast mariners trong một thời gian dài, dẫn dắt chúng ta là hệ chuẩn tư duy của phương Tây. Muốn kinh tế phát triển thì phải vận hành đầy đủ cơ chế thị trường; thị trường là cơ chế phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất; muốn thị trường vận hành hiệu quả thì phải cắt bỏ các rào cản, phải thúc đẩy cạnh tranh... là một vài khuôn khổ tư duy như vậy.
Là người được đào tạo cơ bản, lại là có tinh thần đổi mới, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thúc đẩy nhiều cải cách để xác lập và vận hành cơ chế thị trường. Và kinh tế nước ta nhờ đó cũng đã có bước phát triển rất ngoạn mục.
Tuy nhiên, câu hỏi là tại sao sau hơn 30 năm Đổi mới, chúng ta vẫn chưa phát triển được như Hàn Quốc hay Singapore? Tại sao đa số các nước tiếp nhận mô hình thể chế thị trường từ phương Tây vẫn chỉ là những nước có thu nhập trung bình?
Tìm cách trả lời cho những câu hỏi nêu trên, trong Thông điệp 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lần đầu tiên đề cập đến khái niệm "chính phủ kiến tạo phát triển" và coi đó là phương châm hành động cho những cải cách thể chế về kinh tế tiếp theo.
Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII vừa qua vẫn khẳng định "cải cách thể chế là một trong những đột phá quan trọng". Vậy thì, phải chăng cải cách thể chế theo mô hình chính phủ kiến tạo phát triển vẫn là vấn đề rất cần được quan tâm nghiên cứu?
"Chính phủ kiến tạo phát triển" hay thuật ngữ phổ biến hơn là "nhà nước kiến tạo phát triển" là mô hình thể chế kinh tế của các nước Đông Bắc Á. Đây là mô hình nằm giữa mô hình nhà nước điều chỉnh của phương Tây - theo chủ thuyết thị trường tự do - và mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung - theo mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống.
Tại sao mô hình này lại phù hợp hơn cho Việt Nam? Câu trả lời là: mô hình thể chế này phù hợp với nền tảng văn hóa của Việt Nam hơn.
Xin kể ra đây một vài ví dụ về sự gắn kết giữa văn hóa và thể chế.
Các nước Mỹ, Australia, Canada, New Zealand đều đã từng là thuộc địa của Anh và đều đã rất thành công khi áp dụng thể chế nhà nước điều chỉnh của Anh. Tuy nhiên, những gì đúng cho các nước nói trên, thì có vẻ lại không hoàn toàn đúng cho Ấn độ, Pakistan và nhiều nước Á-Phi, cũng từng là thuộc địa của Anh.
Tại sao lại có sự bất nhất như vậy? Câu trả lời nằm ở nền tảng văn hóa của các nước. Các nước Mỹ, Australia... có nền tảng văn hóa tương đồng với Anh. Người Anh đã không chỉ xuất khẩu thể chế, mà còn xuất khẩu văn hóa tới những nước này. Trong lúc đó, họ đã không thể xuất khẩu văn hóa của mình sang Ấn Độ, Pakistan và nhiều nước cựu thuộc địa khác.
Tương tự, cũng là điều chúng ta có thể nói về mô hình nhà nước phúc lợi. Các nhà nước phúc lợi Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, là mô hình thể chế có thể được coi là thịnh vượng và tốt đẹp nhất đang tồn tại trên thế giới. Ở các nước này, người dân sinh ra đã được nhà nước chăm lo về mọi mặt. Cuộc sống của họ hết sức an toàn, đầy đủ và hạnh phúc. Thế nhưng tại sao một mô hình thể chế tốt đẹp như thế lại không thể nhân rộng ra được ngoài vùng Bắc Âu? Lý do là vì thiếu nền tảng văn hóa của Bắc Âu không thể vận hành được mô hình thể chế nói trên.
"Biết đủ" là nét văn hóa rất đặc biệt của người dân Bắc Âu. Họ sẵn sàng đóng thuế cho nhà nước đến 70-75% thu nhập của mình mà không hề tâm tư, suy bì. Bất cứ ở một nơi nào khác, mức thuế như trên sẽ triệt tiêu động lực làm việc, còn ở các nước Bắc Âu thì không.
Vậy thì nền tảng văn hóa Việt Nam phù hợp với mô hình thể chế nào?
Về mặt vị trí địa lý, Việt Nam thuộc về nhóm các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, chúng ta lại thuộc về nhóm các chủ thể Đông Bắc Á như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore.
Mô hình thể chế được hầu hết các nước Đông Bắc Á lựa chọn là "nhà nước kiến tạo phát triển". Khái niệm này được Chalmers Johnson đưa ra từ thế kỷ trước, khi ông nghiên cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản.
Đặc trưng của mô hình này gồm: bộ máy hành chính gọn nhẹ, nhưng tinh hoa và hiệu quả; bộ máy hành chính được trao quyền đầy đủ để đưa ra những sáng kiến và vận hành hiệu quả; nhà nước thông qua các thiết chế tài chính và các hướng dẫn hành chính để can thiệp vào thị trường; có Bộ thương mại quốc tế và công nghiệp như một thiết chế mạnh điều phối chính sách phát triển công nghiệp.
Thật ra, kể từ Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung và đi dần theo mô hình "nhà nước kiến tạo phát triển". Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường, nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước.
Như vậy, tất cả các phần cấu thành quan trọng của "nhà nước kiến tạo phát triển" đều đã được khẳng định trong đường lối phát triển của Việt Nam. Có lẽ, chính vì thế, kinh tế nước ta đã có sự phát triển khá ngoạn mục trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, vấn đề là tại sao đất nước ta vẫn chưa trở thành "hổ", thành "rồng" như các nước Đông Bắc Á?
Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất là chúng ta đã không chú trọng thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua các doanh nghiệp tư nhân như ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Một nguyên nhân cơ bản khác nữa, chúng ta cũng đã không có được một bộ máy hành chính, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa.
Công bằng mà nói, một khuôn khổ khái niệm sáng rõ và mạch lạc về "nhà nước kiến tạo phát triển" chưa hình thành ở nước ta. Sự lựa chọn của chúng ta khi tiến hành Đổi mới chủ yếu là theo đòi hỏi khách quan của tình hình hơn là trên một nền tảng lý thuyết vững chắc.
Điều đáng băn khoăn là những cố gắng của chúng ta thời gian gần đây lại có vẻ đang thiếu dứt khoát trong việc lựa chọn mô hình "kiến tạo phát triển". Giáo sư kinh tế học thể chế người Hàn Quốc, Ha Joon Chang, trong hội thảo tại Hà Nội về "nhà nước kiến tạo phát triển" đã cảnh báo: "nhà nước không thúc đẩy công nghiệp hóa thì không thể có chuyện ‘hóa hổ’, ‘hóa rồng’".
Nguyễn Sĩ Dũng
Trở lại Góc nhìnTrở lại Góc nhìn