Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ tích tụ từ 5% trọng lượng gan (người bình thường chỉ 2-4%),ễmmỡdobéophìlich bing da gồm gan nhiễm mỡ không do rượu và gan nhiễm mỡ do rượu. Ngày 6/11, TS.BS Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết gan nhiễm mỡ có thể do lạm dụng rượu bia, ăn nhiều chất béo, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Trong đó, thừa cân, béo phì là nguyên nhân chính khiến gan nhiễm mỡ không do rượu. Người béo phì thường thích các món ngọt, béo, ăn vặt và ăn khuya làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ. "Ăn quá nhiều thực phẩm giàu calo và carbohydrate, cơ thể có thể xuất hiện tình trạng kháng insulin", bác sĩ Hoàng giải thích, thêm rằng hơn 70% người béo phì bị kháng insulin, ảnh hưởng hoạt động điều chỉnh lượng đường trong máu dẫn đến gan sản xuất glucose (đường) quá mức. Kết quả là gan phải chuyển lượng glucose dư thừa thành chất béo và tích trữ trong các tế bào gan, khiến gan nhiễm mỡ. Ngược lại, gan nhiễm mỡ không do rượu cũng gây ra và làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin, dẫn đến "vòng luẩn quẩn". Kháng insulin còn thúc đẩy giải phóng các adipokine tiền viêm như interleukin, dần hình thành gan nhiễm mỡ. Béo phì thường đi kèm tăng mức độ axit béo tự do trong máu. Các axit béo này được chuyển từ mô mỡ đến gan, gây tích tụ chất béo tại đây. Khi lượng chất béo vượt quá khả năng chuyển hóa của gan, chất béo tích lũy trong các tế bào gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ. Bên cạnh đó, người béo phì còn bị rối loạn chuyển hóa lipid, khiến cơ thể khó sử dụng và chuyển hóa chất béo. Khi gan không thể chuyển hóa chất béo hiệu quả, mỡ tích trữ trong tế bào gan, làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, tình trạng viêm mạn tính liên quan đến béo phì có thể làm tăng mức độ stress oxy hóa (mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể), làm tổn thương tế bào gan, tăng nguy cơ tích tụ chất béo trong gan, tiến triển thành gan nhiễm mỡ. Béo phì không chỉ gây tích tụ mỡ trong gan mà còn trong các mô mỡ khác trên cơ thể. Nguy cơ gan nhiễm mỡ không do rượu tăng khi chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng. Nghiên cứu trên Thư viện Y khoa Mỹ năm 2019 cho thấy 65% người béo phì độ 1-2 (BMI trong khoảng 30-39,9kg/m²) và 85% người béo phì độ 3 (BMI=40-59kg/m²) bị gan nhiễm mỡ. "Riêng tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mỗi ngày có khoảng 150 trường hợp đến khám thừa cân, béo phì mắc gan nhiễm mỡ", bác sĩ Hoàng cho biết. Đơn cử anh Hậu, 35 tuổi, Hậu Giang, tăng 42 kg trong chưa đầy một năm, hiện 102 kg, đầu gối, vai gáy thường xuyên đau, khó thở khi leo cầu thang. Anh ăn kiêng khắt khe và sử dụng thực phẩm chức năng để giảm cân nhưng không hiệu quả. Đo chỉ số cơ thể Inbody tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 kết quả BMI 41,8 (béo phì độ ba), xét nghiệm gan nhiễm mỡ độ ba, rối loạn mỡ máu, tiền tiểu đường. Sau 10 tháng điều trị, anh Hậu giảm 22 kg, gan nhiễm mỡ được kiểm soát, béo phì từ độ ba xuống độ một, giảm đau khớp cũng như nguy cơ tim mạch, tiểu đường... Người bệnh tiếp tục điều trị để đạt mục tiêu giảm còn 70 kg. |