Sarah Harvey từng sống và làm việc tại Tokyo, Nhật Bản. Cô rất yêu văn hoá, lối sống của người dân xứ sở mặt trời mọc. Năm 2017, cô quyết định nghỉ việc tại một nhà xuất bản ở London, Anh và chuyển đến Nhật Bản.
"Tôi yêu thích công việc của mình. Tôi cũng có các mối quan hệ và cuộc sống tuyệt vời. Nhưng bản thân luôn khao khát tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ và khác biệt. Tôi chuyển đến Tokyo", cô nói.
Sau 6 tháng sống tại Tokyo, cô đã bị mê hoặc bởi cách người Nhật chú ý hơn vào những chi tiết nhỏ, những thay đổi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày.
"Mọi thứ không giống bất cứ điều gì tôi từng trải qua. Cuộc sống ở đây khuyến khích tôi sống chậm lại và cải thiện một số thói quen trong lối sinh hoạt, đặc biệt là thói chi tiêu phung phí, hấp tấp", cô chia sẻ.
Cô phát hiện ra phương pháp tiết kiệm của người Nhật có tên là Kakeibo và quyết định áp dụng thử, theo CNBC.
Phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả
Sarah Harvey có thói quen mua sắm không có kế hoạch. Khi cảm thấy buồn chán, căng thẳng hay khi tâm trạng vui vẻ, ăn mừng chút thành tích, cô đều đi mua sắm. Cô có xu hướng chi tiêu vượt quá thu nhập của mình.
Tuy nhiên, thay đổi thói quen chi tiêu không lành mạnh không phải là chuyện dễ dàng. Bởi nó đã đóng cọc, ăn sâu vào lối sống hàng ngày của Sarah Harvey.
Nữ nhà báo Hani Motoko là người nghĩ ra phương pháp Kakeibo vào năm 1904. Đây là phương pháp đơn giản, hiệu quả giúp mọi người đưa ra các quyết định chi tiêu sáng suốt hơn, quản lý tài chính cá nhân tốt hơn.
Chỉ cần sổ tay và bút
Giống như các phương pháp lập ngân sách khác, Kakeibo giúp mọi người hiểu rõ hơn về nguồn tiền của mình bằng cách ghi lại mọi chi tiêu.
Kakeibo khác biệt vì không cần sử dụng bất cứ phần mềm, ứng dụng hay bảng tính ngân sách phức tạp nào. Nó rất đơn giản và tiện lợi chỉ với 1 quyển sổ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của việc viết tay. Khi viết chi tiết chi tiêu vào sổ, bạn sẽ quan sát được thói quen chi tiêu, thực hiện những thay đổi tích cực, phát hiện nguyên nhân kịp thời xử lý.
Theo Kakeibo, trước khi mua bất kỳ thứ gì không phải hàng thiết yếu, bạn phải tự hỏi mình những câu hỏi sau:
Tôi có thể sống mà không có món đồ này không? Dựa trên tình hình tài chính của tôi, tôi có đủ khả năng mua nó hay không?
Tôi có thực sự sử dụng món đồ không? Tôi có chỗ để đặt món đồ đó không? Tôi bắt gặp món hàng ở đâu? Ví dụ như đã nhìn thấy trên sách báo, tạp chí hay chỉ tình cờ thấy khi lang thang vào một cửa hàng lúc buồn chán...
Trạng thái cảm xúc hiện tại của tôi là gì? Bình tĩnh hay căng thẳng, vui mừng hay cảm thấy tồi tệ về bản thân... Tôi cảm thấy thế nào khi mua món đồ đó? Hạnh phúc, vui mừng hay thờ ơ... và cảm giác này sẽ kéo dài bao lâu?
Sarah Harvey cho biết, cô từng áp dụng nhiều phương pháp kiểm soát tài chính nhưng không thành công. Tuy nhiên, cô thấy hiệu quả khi dùng Kakeibo. Nó giúp cô đưa ra quyết định chi tiêu hợp lý hơn, có tác động tích cực đến khối tài sản tích lũy.
Mục tiêu của Kakeibo là giúp mọi người thay đổi dần thói quen chi tiêu xấu.
"Phương pháp này buộc tôi phải suy nghĩ về việc mua hàng và trả lời câu hỏi điều gì khiến tôi phải mua món đồ nào đó. Kết quả là, tôi đưa ra được các quyết định nhanh hơn, hợp lý hơn, sáng suốt hơn khi mua một món hàng nào đó", cô nói.
Làm thế nào để chi tiêu có ý thức hơn?
Để có kết quả đáng kể trong việc tiết kiệm, điều quan trọng là bạn phải luôn đặt câu hỏi phù hợp trước khi mua hàng. Dưới đây là một số chiến lược đơn giản theo phương pháp Kakeibo giúp bạn chi tiêu hợp lý hơn:
Nguyên tắc 24 giờ: Thay vì mua ngay lập tức khi thấy món đồ, bạn chờ ít nhất 24 giờ trước khi đưa ra quyết định. Nếu ngày hôm sau bạn vẫn nghĩ về món đồ ấy và có đủ khả năng chi trả thì hãy mua. Bằng cách đặt ra một khoảng thời gian gián đoạn, bạn sẽ tránh mua phải những món đồ không thực sự cần thiết.
Đừng để khuyến mại hay giảm giá cám dỗ: Nếu bị cám dỗ, bạn sẽ phải tiêu tiền vào những món đồ chưa chắc đã sử dụng. Vì vậy, đối với các mặt hàng giảm giá, hãy tự hỏi liệu bạn có mua không nếu sản phẩm đó để nguyên giá gốc.
Kiểm tra tài khoản ngân hàng thường xuyên:Kiểm tra số dư trong tài khoản giúp bạn có cảm giác kiểm soát được tài chính nhiều hơn, biết được số tiền có thể chi.
Chi tiêu bằng tiền mặt:Thay vì quẹt thẻ một cách vô thức, thanh toán bằng tiền mặt sẽ giúp bạn có ý thức hơn về chi tiêu. Hãy thử rút ra một lượng tiền mặt nhất định và thử thách bản thân sử dụng trong vòng 1 tuần hoặc 1 tháng.
Đặt lời nhắc nhở:Để lời nhắc trong ví hoặc dán vào thẻ tín dụng với nội dung "bạn có thực sự cần món hàng này không". Mỗi lần chi tiêu, lời nhắc giúp bạn suy nghĩ lại một chút trước khi đưa ra quyết định thông minh hơn.
Thay đổi tình huống phát sinh chi tiêu: Mỗi khi xem ảnh người nổi tiếng, bạn lại muốn mua quần áo, phụ kiện giống họ thì hãy huỷ theo dõi họ một thời gian. Nếu bạn thường mua sắm khi rảnh rỗi thì hãy thử sử dụng thời gian đó để làm việc khác như tập thể dục, đi dạo công viên... Thay đổi nhỏ có thể giúp bạn kiểm soát chi tiêu.
Với Sarah Harvey, cô nhận ra rằng số tiền tiết kiệm của cô đã gia tăng đáng kể sau khi áp dụng phương pháp Kakeibo. Hơn nữa, cô đưa ra được các quyết định sáng suốt hơn khi chi tiêu, đầu tư tiền vào những việc thực sự quan trọng.
Việc tiết kiệm tiền sẽ trở nên dễ dàng hơn khi áp dụng 7 cách sauBạn sẽ không phải đau đầu tìm cách tiết kiệm tiền nhờ vào những lời khuyên đến từ chuyên gia được tiết lộ dưới đây.