Trọng Tuấn thể hiện điệu hát chèo "Đường trường trên non" tại kỳ thi cuối kỳ. Video: NVCC.
Về nước học tiếp vì đam mê thôi thúc
Nguyễn Trọng Tuấn (SN 1996) được sinh ra trên vùng đất giàu truyền thống văn hóa Việt Yên (Bắc Giang) - một trong những cái nôi tạo nên mảnh ghép "văn hiến Kinh Bắc”.
Niềm đam mê với chèo của Tuấn không chỉ đến từ những niềm vui được trình diễn trên sân khấu,ắcGianghọcchèotốtnghiệpthủkhoaĐHSânkhấuđiệnảnhsaunămXKLĐúc vs uzbekistan mà còn khởi nguồn từ truyền thống gia đình. Ông bà và các thế hệ tiền bối trong gia đình cậu là những diễn viên chèo và đã từng thành lập các gánh chèo làng.
Vì vậy, sau 3 năm đi làm việc ở nước ngoài, Tuấn quyết định dừng kiếm tiền, trở về Việt Nam để theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Cha mẹ Tuấn dù không trực tiếp làm nghệ thuật nhưng rất yêu thích và hoàn toàn ủng hộ con trai.
"Đó là động lực mang tính quyết định cho sự lựa chọn của mình" - Trọng Tuấn chia sẻ.
Trước khi bước vào thế giới của chèo, Tuấn đã có một quãng thời gian học trung cấp chuyên ngành hát dân ca quan họ. Tuy nhiên, niềm đam mê với những vai diễn sân khấu đã thôi thúc anh quyết định chuyển hướng. Năm 2019, anh thi và trúng tuyển vào Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, trở thành một trong số không nhiều những người trẻ tuổi theo đuổi chuyên ngành Diễn viên chèo, khoa Kịch hát dân tộc.
Trong thời gian học ở đây, với sự chăm chỉ và khát khao cống hiến, Tuấn đã gặt hái được nhiều thành tích như giải Nhì trong cuộc thi tài năng sinh viên khoa Kịch hát dân tộc (2022), và 2 giải Nhất cuộc thi hát dân ca quan họ của huyện Việt Yên (2022, 2023)...
Luyện tập thâu đêm, mong trở về quê cống hiến
Nhìn lại chặng đường 4 năm đại học, Tuấn tự nhận thấy bản thân đã trưởng thành và thay đổi rất nhiều.
"Việc học tập và rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp của trường đã giúp mình tiếp thu kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một diễn viên chèo đích thực. Trong 4 năm, mình luôn cố gắng vượt qua nhiều thách thức, dành thời gian không chỉ để học trên giảng đường mà còn rèn luyện thể hình và giọng hát".
Trọng Tuấn và bạn bè thường luyện tập suốt đêm để chuẩn bị cho các buổi thi hay hội diễn. "Thỉnh thoảng, sau những buổi tập khuya, chúng mình ra ngoài uống nước và trò chuyện đến tận 1-2h sáng, sau đó lại rón rén trèo qua hàng rào ký túc xá về phòng. Đó là những đêm gắn kết và đầy ý nghĩa trong thanh xuân của mình".
Tại buổi lễ tốt nghiệp ngày 28/4 vừa qua, Trọng Tuấn vào vai Hoàng tử Vương Tùng trong vở "Lời ru hai người mẹ". Vở kịch có nội dung: Với âm mưu đoạt ngai vàng, Thứ phi cùng con trai đã tìm cách hãm hại Hoàng tử Vương Tùng. Tuy nhiên, với sự phò trợ của các vị trung thần, hoàng tử đã thoát khỏi âm mưu gian xảo, đoạt lại ngôi báu và trừng trị kẻ ác.
"Vai diễn của em có chiều sâu và cảm xúc, hãy tiếp tục rèn luyện để trở thành một diễn viên thực thụ, đạt đến độ chín và trưởng thành hơn trong nghề" - NSND Thúy Ngần, đạo diễn kiêm giảng viên hướng dẫn, đã nhận xét về vai diễn của Trọng Tuấn như vậy.
Chính vai diễn này đã góp phần giúp Tuấn trở thành thủ khoa chuyên ngành Diễn viên chèo của trường.
Chia sẻ với VietNamNet, Trọng Tuấn cho biết tới đây, anh muốn trở về quê hương và đầu quân cho Nhà hát Chèo Bắc Giang để có cơ hội làm nghề và sống với nghệ thuật. Đồng thời, Tuấn mong sẽ lan tỏa để chèo được yêu mến hơn.
Đối với Tuấn, chèo không chỉ đơn thuần là một hình thức biểu diễn mà còn là một cách thể hiện và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Anh tin rằng chèo có khả năng mang lại niềm vui và sự thư giãn cho khán giả, đồng thời truyền tải những giá trị văn hóa sâu sắc.
Tuấn cũng rất mong được đóng góp vào sự phát triển của chèo, từ việc biểu diễn trên sân khấu cho đến tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử, ý nghĩa của loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Tử Huy