Trên báo Tuổi trẻ,àcụthổixôiôngtôinấuchèltd c1 một độc giả đã nêu thắc mắc về từ “thổi xôi” trong SGK tiếng Việt lớp 1 với tiêu đề “Thổi xôi là gì?” và bày tỏ: “Ngày xưa, thời bao cấp không có gas và bếp điện nên mọi người nấu cơm canh... bằng cách nhóm lửa rồi thổi cho lửa bùng vào than hay củi nên nấu gì cũng hay gọi là “thổi”. Ngày nay, các phụ huynh trẻ ở Sài Gòn cũng không hiểu “thổi xôi” là cái gì. Tại sao không dùng động từ đơn giản như “nấu cơm”, “nấu xôi”... mang tính phổ quát hơn cho toàn đất nước mà cứ sính các đặc ngữ miền Bắc vào”. Theo tác giả này, thì cả cô giáo cũng không biết thổi xôi là gì, phải gọi điện lên Phòng giáo dục. Phòng phải nghiên cứu 2 tuần mới có công văn giải nghĩa từ này. Có thể mọi người trong câu chuyện trên không chịu tra từ điển bởi, Từ điển Tiếng Việt đã giải thích rất rõ: Thổi (động từ) nghĩa là “nấu”. Một công đoạn trong quá trình đồ xôi của người Thái Bỏ qua những thắc mắc, mà tôi nghĩ không phải không có lý của độc giả, bỏ qua cả việc bắt bẻ chữ nghĩa, vấn đề tôi muốn bàn là, chúng ta dạy học sinh vỡ lòng chữ nghĩa đơn giản, hoàn toàn theo nghĩa đen, phổ thông đại chúng hay dạy cả nghĩa bóng, nghĩa vùng miền của ngôn ngữ? Hay cao hơn, dạy cả những hình ảnh, hình tượng văn học? Sẽ đơn giản vô cùng nếu chúng ta thay từ “thổi xôi” bằng từ “nấu xôi”, và còn đơn giản hơn nếu chúng thay tất cả các động từ thể hiện các hành động riêng biệt bằng một động từ trung tính (làm), giống như từ “do” trong tiếng Anh. Chẳng hạn, thay vì thổi xôi, đồ xôi, rán xôi, hấp xôi…, chúng ta dùng từ “làm món xôi”, thì về mặt khoa học là cực chuẩn. Thế nhưng mỗi từ ngữ nêu trên không chỉ có nội hàm riêng, mà gắn vào đó còn một “hàm lượng” văn hóa. Chưa nói đến lai lịch gắn với rạ, rơm của từ “thổi xôi”, một khi bỏ qua từ này lũ trẻ lại “tắc” khi học câu đồng dao: “Phật ngồi phật khóc/ Con cóc nhảy qua/ Con gà tú hụ/ Bà cụ thổi xôi/ Ông tôi nấu chè”. Không thể nào khước từ việc giải thích một từ ngữ đã từng tồn tại và đi vào tiếng Việt. Trở lại với vấn đề chính, về mặt khoa học giáo dục, chúng ta có nên dạy học sinh lớp 1 những từ ngữ giàu hình tượng hay đa nghĩa không? Chúng ta hãy ngược trở về cách giáo dục ngày xưa – thời thường bị chúng taxem là cổ hủ, lạc hậu. Các cụ đồ bắt học trò học ngay vào Tam Tự Kinh, với những triết lý “nhân chi sơ”, mà đến bây giờ chúng ta còn chưa hiểu hết: Nhân chi sơ, tính bản thiện/ Tính tương cận, tập tương viễn. Dĩ nhiên, đám trẻ thò lò mũi thời đó không thể hiểu được ý nghĩa của các từ đó. Nhưng cứ phải thuộc cái đã, và những đứa trẻ ấy sẽ ngâm nga và sẽ phải suy ngẫm cả đời khi chúng đã trở thành những ông nghè, ông cống. Việc học ngày nay, đành rằng khác với lối học ngày xưa, mặc dù đều nhắm tới mục tiêu chung: học làm người, chứ không chỉ đơn thuần là nhồi nhét kiến thức. Trong SGK lớp 1 và tiểu học từ xưa đến nay, chúng ta thấy thơ ca được trích dẫn rất nhiều, và đương nhiên thơ ca là ngôn ngữ hình tượng. Giở SGK lớp 1 ngày nay ra, tôi gặp những câu: Hỏi cây bao nhiêu tuổi Cây không nhớ tháng năm Cây chỉ dang tay lá Che tròn một bóng râm Những câu thơ giàu hình tượng, vừa đơn sơ, vừa thấm đầy những suy nghĩ triết lý về nhân sinh, về đời người. Những đứa trẻ thò lò mũi, cứ đánh vần đi, cứ chép lại cho thật nắn nót, đúng dòng kẻ ô ly, chúng ít nhiều hình dung ra cái cây được nhân cách hóa là tốt rồi, còn hiểu thêm được bao nhiêu thì hiểu. Điều đó thật sự không quan trọng. Nhưng hình tượng cái cây này sẽ đi vào trí nhớ “nguyên khởi” của chúng, để rồi chúng sẽ nhớ lại, có thể đến tận khi về già, sau khi đã bay nhảy khắp phương trời. Chúng sẽ nhận ra rằng có một ý nghĩa lớn trong cuộc đời mà chúng đã được “bật mí” từ hồi ấu học, ấy là mỗi người hãy khiêm nhường làm tốt nhất phận sự của mình tại nơi mình sống, như cái cây đã suốt đời “che tròn một bóng râm”. Trong trí nhớ của mỗi người lớn chúng ta, luôn có những câu, những chữ, những hình ảnh, những bài đọc đã thuộc từ hồi vỡ lòng. Những câu thơ thời ấu học vẫn vang lên trong tâm trí ta, mang một vẻ đẹp đầy mến thương - vẻ đẹp của chính nó với tư cách là những câu thơ hay – trộn lẫn với vẻ đẹp của ký ức tuổi thơ mỗi người. Đứa trẻ không chỉ cần phải học những ký tự để ghép thành vần (giỏi hay dốt thì cuối cùng chúng cũng đọc thông, viết thạo cả thôi), mà chúng cần được học để dần hiểu hiểu ra vẻ đẹp của cuộc sống, vẻ đẹp của Tiếng Việt. Hãy tin chúng. (Theo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần)