Tiểu thuyết siêu ngắn
Tiểu thuyết siêu ngắn là một dạng văn học mới mẻ,ểuthuyếtsiêungắnvàtruyệnngắntrongtiểuthuyếltd bd anh xuất phát từ nhu cầu của độc giả và tác giả trong một thế giới hiện đại bận rộn và cạnh tranh, luôn dịch chuyển không ngừng và thách thức tất cả phải thay đổi. Không thể phủ nhận sự ra đời tiểu thuyết siêu ngắn là hết sức cần thiết.
Tôi là một tác giả viết truyện ngắn, vào năm 2008, khi bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên Xuyến chi xanh, tôi đã viết tới gần 500 trang. Tôi nghĩ đã là tiểu thuyết phải dày ít nhất 400 trang trở lên. Tôi từng ngắm cuốn tiểu thuyết Hỗn độncủa nhà văn Nguyễn Khắc Phục, dày tới cả ngàn trang mà thán phục. Nhiều tác giả nước ngoài cũng viết những trường thiên tiểu thuyết dài tới ngàn trang.
Vào năm 2019, khi tham gia tổ chức một dự án Hợp tuyển thơ văn giữa Ấn Độ và Việt Nam, tôi đã tập hợp các truyện ngắn của một số tác giả Việt Nam và chuyển ngữ, gửi sang cho đồng nghiệp Ấn Độ. Lập tức họ hỏi tôi rằng chúng ta đang chọn in truyện ngắn, tại sao bạn gửi tiểu thuyết? Hóa ra, với các bạn Ấn Độ truyện ngắn chỉ chừng 500 tới 1000 chữ thôi. Trong khi đó, truyện ngắn nào của Việt Nam cũng dài tới 5000 chữ.
Tôi đem việc này trình bày với nhà thơ Hữu Thỉnh, lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Hữu Thỉnh lắc đầu, chỉ 500 hoặc 1000 chữ cho truyện ngắn thì quá ngắn! Làm sao mà dàn dựng ý tưởng, thể hiện hết được cốt truyện? Còn tôi thì nghĩ: “Thú vị thật! Các bạn Ấn Độ cho rằng tiểu thuyết chỉ cần 5000 chữ là đủ!”. Có thể lắm chứ, dù nó rất thách thức, đòi hỏi sự khéo léo, tài ba của tác giả để nén chặt tất cả những gì mình muốn trong một dung lượng hạn hẹp của tiểu thuyết siêu ngắn!
Một trải nghiệm khác là năm 2024, nhóm Nữ dịch giả Hà Nội thực hiện chuyển ngữ và xuất bản cuốn tiểu thuyết siêu ngắn Cuộc phiêu lưu của Samuraicủa nữ tác giả Hy Lạp - Eva Petropoulou Lianou. Tiểu thuyết dành cho thiếu nhi này chỉ vỏn vẹn 48 trang cả bìa và tranh minh họa. Trước đó, vào mùa hè 2023, tôi đích thân sang Athens (Hy Lạp) gặp chị Eva, chị đề nghị sẽ dịch và in một cuốn thơ của tôi ở Hy Lạp, kèm theo lời dặn dò chỉ lựa chọn những bài ưng ý nhất và sách thơ không vượt quá 50 trang.
Chị cho biết, việc in ấn ở Hy Lạp nói riêng và châu Âu nói chung sau đại dịch rất đắt đỏ, người đọc cũng không đủ tiền mua những cuốn sách dày, phí gửi tăng cao. Do đó, việc nén các cuốn sách lại thành sách siêu ngắn, siêu mỏng đang là lựa chọn của hầu hết tác giả và độc giả. Siêu ngắn, siêu mỏng nhưng ý tứ và nghệ thuật được chăm chút cao tay hơn, đòi hỏi tác giả phải tư duy mãnh liệt hơn.
Ngoài ra, tiểu thuyết siêu ngắn còn phản ánh xu hướng đọc thông tin cô đọng và nhanh chóng bởi trong thế giới hiện đại, độc giả có ít thời gian và mong muốn trải nghiệm văn học một cách tiện lợi. Tiểu thuyết siêu ngắn cũng thích ứng với công nghệ và phương tiện truyền thông mới: sự phát triển của công nghệ đã tạo ra nhu cầu đọc trên các nền tảng điện tử như điện thoại di động, máy tính bảng và trang web. Tiểu thuyết siêu ngắn thích hợp với định dạng này vì độ tinh gọn và thậm chí có thể đọc trong thời gian rảnh rỗi ngắn ngủi.
Tiểu thuyết siêu ngắn còn phù hợp với xu hướng ngắn gọn trong giao tiếp. Trong một thời đại mà giao tiếp qua các phương tiện như tin nhắn văn bản, trạng thái trên mạng xã hội và email ngày càng trở nên rút gọn và súc tích, người đọc cũng muốn trải nghiệm văn học tương tự.
Việc viết tiểu thuyết siêu ngắn cũng yêu cầu tác giả phải thể hiện sức sáng tạo cao và truyền đạt ý tưởng một cách hiệu quả. Điều này thúc đẩy người viết nâng cấp khả năng diễn đạt của mình trong một không gian văn học hạn chế, tuy ngắn, nhưng có cốt truyện ấn tượng mạnh, giàu hình ảnh và có thể dựng phim.
Truyện ngắn trong tiểu thuyết
Khi viết hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên, tôi phải đầu tư 10 năm trời. Cuốn Xuyến chi xanhđược xuất bản, nhưng tiểu thuyết thứ hai Là người, cũng là ma quỷ(dày gần 500 trang) bị 5 nhà xuất bản yêu cầu chỉnh sửa nhưng tôi từ chối. Tôi đã bỏ không viết truyện ngắn suốt 5 năm trời để tập trung cho tiểu thuyết mà không thành công. Trong 5 năm ấy, cái tên của mình chẳng một lần xuất hiện trên văn đàn, thật là thiệt hại. Tôi tự nhủ, phải nghĩ ra phương pháp mới khi viết tiểu thuyết, sao cho không hoàn toàn vắng bóng thời gian dài và có thể xuất bản ngay tiểu thuyết trong lúc chưa hoàn thành?
Và rồi tôi nghĩ ra một cách, đó là “truyện ngắn trong tiểu thuyết”. Mỗi chương của tiểu thuyết phải quy hoạch thành một truyện ngắn độc lập, để người đọc có thể hiểu diễn tiến cốt truyện và hài lòng với cái kết của nó, nhưng lại kết nối hợp lý được với các chương khác trong cả tác phẩm.
Lợi ích là tác giả có thể đăng tải từng chương tiểu thuyết trong lúc đang viết dở cuốn sách, như từng truyện ngắn độc lập trên các ấn phẩm báo chí khác nhau, tạo động lực hứng khởi cho tác giả và cũng thu nhận được góp ý của độc giả để triển khai các phần tiếp theo. Cuối cùng, gộp tất cả các chương lại, tác giả có một cuốn tiểu thuyết khá đặc biệt.
Lấy ví dụ về ba tác phẩm của tôi được viết theo phương pháp này. Lời thề Budapestvới 15 chương là 15 truyện ngắn có thể đứng độc lập, nhưng kết lại với nhau theo trình tự thời gian và logic thành cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh. Tiểu thuyết Nơi anh thuộc vềcó 10 chương, cũng chính là 10 truyện ngắn. Người thầy vĩ đạigồm 38 chương là 38 truyện ngắn hoặc truyện ký độc lập. Tất cả các chương tiểu thuyết được tôi gửi đăng rộng rãi trên các báo như Văn Nghệ, Tiền Phong, Thanh Niên, Thời báo Văn học nghệ thuật…
Qua trải nghiệm thực chiến, tôi thấy đây là một phương pháp sáng tác thú vị, hiệu quả, tạo động lực rất cao trong quá trình viết. Bên cạnh đó, thể loại Truyện ngắn trong tiểu thuyết còn có thể đáp ứng tính chất đọc ngắt quãng của độc giả khi thời gian của con người luôn bị xé lẻ bởi rất nhiều công việc chồng chất, đan xen.
Truyện ngắn trong tiểu thuyết không chỉ là một cách tiếp cận mới mẻ mà còn là một phương tiện sáng tạo cho nhà văn thể hiện khả năng đổi mới của mình một cách linh hoạt. Với mỗi chương tiểu thuyết có thể là một truyện ngắn độc lập, tác giả có thể khám phá nhiều chủ đề và ý tưởng khác nhau, từ những câu chuyện tình yêu lãng mạn đến trải nghiệm phiêu lưu mạo hiểm, mà không cần phải giới hạn bởi một cốt truyện chính.
Bên cạnh đó, các chương được kết nối hợp lý với nhau thông qua những mắt xích tinh tế, tạo ra một cốt truyện phát triển logic theo dòng thời gian và sự kiện khiến cho trải nghiệm đọc trở nên mạch lạc và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Mỗi cuốn tiểu thuyết không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là một trải nghiệm đọc đầy sáng tạo và đa chiều.
Kiều Bích Hậu