Chị Hoàng Ngọc Hà,ểngoạitìnhtuyểnnữsinhlàmsugarbabymẹvợnóiđànôngnóvậtỷ số bỉ 39 tuổi, làm việc tại một công ty kiểm toán có tiếng ở TPHCM phát hiện chồng có "em gái nuôi" là sinh viên năm 3 một trường đại học vào cuối năm 2021. "Tiểu tam" được chồng chị, trưởng phòng tín dụng một ngân hàng lớn, "che chở" tại một căn hộ ở Quận 7, chu cấp toàn bộ tiền ăn học, chi xài.
Vợ chồng chị cùng quê, yêu nhau từ hồi cấp 3. Cả hai cùng phấn đấu vào đại học, ở lại thành phố lập nghiệp và có được thành công nhất định như hiện nay. Lâu nay chị cũng hay nghe "sugar baby - sugar daddy" nhưng không thể ngờ có ngày chuyện này xuất hiện trong cuộc sống của gia đình mình.
Có "con gái nuôi", chồng chị xếp lịch tuần qua một, hai lần, nhiều chuyến đi công tác trong và ngoài nước cũng dẫn cô ta đi cùng. Chị còn biết, chồng đã hai lần đưa "tiểu tam" đi bỏ thai...
Mới đầu, chị Hà không dám nói với ai, bí bức thì chỉ lên các diễn đàn về hôn nhân gia đình, ẩn danh kể chuyện của mình. Cánh đàn ông có người nói với chị "Ông chồng tuổi này mới có bồ là... chung thủy rồi đấy!". Còn chị em thì đua nhau khuyên "miễn nó không bỏ mình", "vẫn chu cấp tiền đầy đủ"...
Có bà vợ còn khoe chồng có bồ, ham của lạ chứ quyết không bỏ vợ, vẫn yêu vợ thương con như... thành tích. Có người lại đổ hết tội lỗi sang đầu "tiểu tam" vì rằng "chúng bung lưới ông nào thoát nào cho nổi", các ông chồng cũng là nạn nhân.
Chị nhận ra, không ít người đang trao cho đàn ông "quyền được ngoại tình" như việc hiển nhiên, trao cho họ quyền được là nạn nhân ngay khi họ sống vô trách nhiệm, buông thả nhất.
Sau thời gian khổ sở giữ bí mật, chị Hà quyết định công khai sự việc với người thân, gia đình để thông báo quyết định ly hôn.
Vậy nhưng, thêm một lần nữa chị rơi thêm vào áp lực nặng nề khi nhiều người xung quanh đều khuyên nhủ chị "nhắm mắt làm ngơ", cho rằng đàn ông có "bồ nhí" là chuyện... bình thường. Nhiều bạn bè của chị nói "đàn ông là vậy".
Chính mẹ ruột của chị cũng phản đối ý định ly hôn của con gái, ra sức bảo vệ con rể: "Đàn ông nào chẳng vậy, đến tuổi đó có tiền, làm gì có chuyện chung thủy, không em út".
Nhưng chị Hà không thể chấp nhận, không thể bước tiếp. Nếu anh ngoại tình xuất phát từ tình cảm, chị còn có thể thông cảm... Còn đây, anh ta tuyển "con gái nuôi" qua một kênh mai mối, xem đó như là sự mua vui, đổi chác.
Lời giải thích chồng chị buông ra là: "Anh chỉ vui vẻ, mất ít tiền chứ không hề có ý định bỏ vợ, bỏ gia đình" khiến chị thấy càng thêm lợm giọng. Có thứ "vui vẻ" nào được chấp nhận khi "vui vẻ" với một cô gái chỉ ngang tuổi con gái mình, "vui vẻ" trên đau khổ của vợ và khủng hoảng của gia đình, con cái...
Chị Hà không đánh ghen, chưa một lần liên lạc hay gây khó dễ với "tiểu tam". Với chị, vấn đề nằm ở chồng mình, chồng chị tự tay hất đổ hôn nhân, gia đình. Đàn ông ngoại tình không thể quay sang đỗ lỗi cho vợ hay cho những cô gái khác đã "mồi chài".
"Một người đàn ông vừa trăng hoa bên ngoài, lại muốn "giữ hạnh phúc gia đình" là sự khốn nạn. Trong cuộc sống, việc gì cũng phải nỗ lực rèn luyện, vun đắp và hôn nhân cũng vậy. Việc của tôi lúc này là giành quyền nuôi hai con, gom mọi tài sản về mình. Tháng sau, chúng tôi ra tòa...", chị Hà chua xót cho cuộc hôn nhân đã hơn 20 năm của mình.
Trào lưu "đại gia - tiểu tam": Chà đạp hôn nhân và tương lai con cái!
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải, người đứng lớp nhiều chương trình giáo dục giới tính, tình dục, hôn nhân, tác giả cuốn sách "Vẽ đường cho Hươu" chia sẻ, các mối quan hệ "ngoài luồng" ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến hạnh phúc gia đình.
Với không ít nam giới, chỉ có một mối quan hệ trong hôn nhân là quá ít. Họ có nhu cầu "cắp nách" một (vài) cô gái trẻ, dù đã vợ con đề huề, thậm chí đã lên hàng cha chú, gia đình vẫn êm ấm, hạnh phúc. Điều này phổ biến đến nỗi, trên nhiều diễn đàn hoặc chốn chợ búa, mọi người tặc lưỡi coi chuyện đó là "bình thường".
Tai hại nhất, theo bác sĩ Lan Hải, những drama "đại gia - tiểu tam" ngày nay đã thay thế cho trào lưu "chân dài - đại gia" của chục năm trước.
"Chân dài - đại gia" còn có thể có cái kết có hậu là một đám cưới trai tài gái sắc, dù "tài" ở đây được đo bằng rất nhiều tiền. Ở mối quan hệ này, cũng là em tặng anh cái mà anh cần và anh cho em cái mà em muốn nhưng cả hai cùng "mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ".
Nhưng cặp bài "đại gia-tiểu tam" thì không. Người đàn ông vẫn đang trong mối quan hệ hôn nhân hợp pháp, là chồng, là cha, là người có vai vế trong gia tộc, cộng đồng. Cô gái trẻ thì quan tâm tới những cuộc hẹn, những chuyến du lịch, quà cáp, vật chất mà không hề nghĩ đến hôn nhân.
Bác sĩ Lan Hải nhấn mạnh, nếu đã hết yêu, xin hãy chấm dứt hôn nhân một cách đàng hoàng trước khi đến với một mối quan hệ mới. Một người bước vào mối quan hệ khác khi đang có cam kết hôn nhân là đang đối xử bất công với người bạn đời và làm tổn thương con trẻ.
Không thể bình thường hóa lối sống bất thường, đạp trên pháp luật, đạo đức bằng những cái "tặc lưỡi". Bởi phía sau cái tặc lưỡi "chuyện bình thường" là những người đàn ông cho mình được quyền buông thả, là những phụ nữ chấp nhận và cả dung túng, nuôi dưỡng thói hư thật xấu của đàn ông...
Đáng sợ hơn, sau cái tặc lưỡi đó, thông điệp về giáo dục con cái là gì? Làm sao có thể dạy được các bé trai về vai trò của người đàn ông trong gia đình, về trách nhiệm bố làm, làm chồng, làm sao có thể dạy con gái về sự chính chuyên, chung thủy khi làm vợ, làm mẹ, làm sao gieo được niềm tin, định hướng tốt đẹp về hôn nhân, gia đình?
Như trăn trở của bác sĩ Nguyễn Lan Hải: "Lúc ấy, tài sản, đất đai, tiền của,… không chữa lành được một cõi lòng tan nát. Lớp trẻ nhìn vào đó cũng mất đi niềm tin vào tình yêu, vào lòng thủy chung và những giá trị của gia đình".