Dần thay đổi thói quen
Là xã miền núi ở TP Chí Linh và cũng là xã cách xa trung tâm tỉnh Hải Dương nhất, nhưng hạ tầng nông thôn của xã Hoàng Hoa Thám không hề kém so với những xã nằm ở khu vực trung tâm của tỉnh. Nhận thức của người dân về chuyển đổi số cũng thay đổi để dần trở thành những “công dân số” trong tương lai.
Đến làm thủ tục khai sinh cho cháu, bà Lê Thị Hoa ở thôn Đá Bạc được cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận "một cửa" của UBND xã hướng dẫn thực hiện kê khai thông tin một cách đầy đủ và nhanh chóng qua dịch vụ công trực tuyến.
Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã len lỏi vào đời sống sinh hoạt của người dân xã này. “Ở đây từ bà bán rau tới các cửa hàng bán tạp hóa như chúng tôi đều có mã QR để phục vụ người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán nhanh gọn, không phải lo tìm tiền thừa trả lại khách, cũng không lo tiền bị rách nát hay bị rơi tiền. Giờ đây nhiều người, kể cả một số người trung tuổi cũng biết chuyển khoản thay vì dùng tiền mặt như trước”, chị Vũ Thị Thơm, chủ cửa hàng tạp hóa ở thôn Hố Sếu nói.
Bà Trần Bích Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám chia sẻ: “Ngoài việc triển khai các hoạt động của chính quyền số theo quy định thì địa phương cũng quan tâm đến việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức số trong nhân dân. Xã tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi thói quen tiêu dùng, không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính tại UBND xã, trong thanh toán một số khoản của trường học, trạm y tế. Địa phương cũng hỗ trợ các hoạt động kinh tế số cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Nhiều nông sản chủ lực của địa phương như thanh long ruột đỏ, nhãn… đã được đưa lên kinh doanh tại các sàn thương mại điện tử”.
Xã Thái Hoà (Bình Giang) cũng nằm cách xa trung tâm của huyện và tỉnh. Tuy xa xôi nhưng nhiều hộ dân đã tận dụng các ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để phát triển kinh tế.
Đầu năm 2023, gia đình chị Lê Thị Ly ở thôn Trâm Khê, xã Thái Hòa đã mạnh dạn đầu tư trên 10.000 m2nhà màng để trồng dưa lưới. Mỗi vụ, chị thu lãi trên 400 triệu đồng từ mô hình này. Chị Ly cho biết: “Trước đây chúng tôi chỉ làm nông nghiệp đơn thuần nhưng từ khi có mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, chúng tôi ứng dụng công nghệ - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Những thông tin mới để ứng dụng vào sản xuất cũng được chúng tôi tìm hiểu và áp dụng. Hiện sản phẩm dưa lưới của chúng tôi đang làm hồ sơ để tham gia chương trình OCOP. Nếu được chúng tôi sẽ mở rộng kinh doanh lên các sàn thương mại điện tử”.
Nỗ lực
Có thể khẳng định chuyển đổi số đang len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống và làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Với các xã "vùng xa", việc chuyển đổi số là quá trình đầy nỗ lực của cả chính quyền địa phương và người dân.
Thái Hòa là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Bình Giang thực hiện chuyển đổi số. Thời gian đầu địa phương còn rất nhiều khó khăn do kinh phí hạn chế, hạ tầng, trang thiết bị đã xuống cấp, lạc hậu dẫn đến khó tích hợp các phần mềm mới nên hiệu quả xử lý công việc chưa cao. Nhận thức của người dân về chuyển đổi số còn hạn chế… Nhưng đến đầu năm 2024, địa phương đã đạt được những kết quả khả quan về chuyển đổi số. Tính riêng 6 tháng của năm 2024, tỷ lệ số hóa hồ sơ thủ tục hành chính khi tiếp nhận ở Thái Hòa đạt 99,92%, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết đạt 98,32%; 100% thanh toán phí và lệ phí điện tử khi làm thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hoà chia sẻ: “Để người dân biết và thực hiện các thủ tục hành chính trên không gian mạng, cán bộ xã vừa tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ bản giấy, vừa cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho người dân các thao tác trên điện thoại thông minh. Xã chỉ đạo cán bộ, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tăng cường tuyên truyền về lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến”.
Hải Dương là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số. Tỉnh đã lấy ngày ban hành Nghị quyết-ngày 26/3 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh. Ở những xã "vùng xa" còn có những khó khăn đặc thù nhưng các địa phương đều nỗ lực để thực hiện chuyển đổi số theo mục tiêu chung của tỉnh. Cán bộ xã hướng dẫn người dân lập tài khoản, thao tác gửi hồ sơ qua mạng, giúp người dân gỡ bỏ tâm lý ngại khó, quen với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính. Đối với người dân không sử dụng điện thoại thông minh, người cao tuổi, cán bộ xã hỗ trợ tạo tài khoản cho người dân, nộp hồ sơ giúp người dân.
Các xã cũng duy trì hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vừa khảo sát, vừa hướng dẫn các hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số, đặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và kích hoạt định danh điện tử. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các tiện ích, ứng dụng thông minh, thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số. Người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ số giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, từ đó dần hình thành những công dân "số”.
Theo TRẦN HIỀN (Báo Hải Dương)
顶: 79752踩: 95
评论专区