Tọa đàm phát triển điện ảnh TP.HCM mới diễn ra với sự góp mặt của cơ quan quản lý và các nhà làm phim.
Sự kiện thảo luận xoay quanh 3 nội dung: Ngoại giao văn hóa qua điện ảnh - Điện ảnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia/địa phương; Đối thoại giữa nhà làm phim và các nhà làm chính sách; Đối thoại giữa TP.HCM với các nhà làm phim.
Tín hiệu lạc quan từ điện ảnh Việt
Điện ảnh Việt Nam từ năm 1975 đến nay trải qua nhiều giai đoạn. Trong đó, ngành công nghiệp điện ảnh chính thức hình thành từ năm 2003. Sau hơn 20 năm, lĩnh vực này có nhiều sự thay đổi đáng kể cả về quy mô, doanh thu và thị trường.
Theo báo cáo thống kê, lượt khách đến rạp hàng năm hiện nay tại Việt Nam là hơn 40 triệu lượt, đạt hơn 90% so với những năm trước đại dịch Covid-19.
Thị trường điện ảnh Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, bình quân đạt 21% giai đoạn trước Covid-19. Năm 2023, Việt Nam có tổng doanh thu phòng vé đứng thứ 2 tại Đông Nam Á, sau Indonesia. Trong đó, dân số Indonesia là hơn 277 triệu dân so với hơn 100 triệu dân số Việt nam (cao gấp đôi).
Các tác phẩm thắng về doanh thu như: Bố già(hơn 400 tỷ đồng), Nhà bà Nữ (475 tỷ đồng), series Lật mặt(hơn 700 tỷ đồng)... và gần nhất làMai với 550 tỷ đồng. Điều đó cho thấy nhu cầu ra rạp của người dân nước ta tăng cao trong vài năm qua.
Theo bà Ngô Bích Hạnh – nhà sáng lập, điều hành BHD, điểm mạnh của điện ảnh Việt là một trong những ngành công nghiệp điện ảnh phát triển nhanh nhất thế giới với 21% tăng trưởng hàng năm trong suốt nhiều năm gần đây. Dân số đông, kinh tế đang phát triển nên Việt Nam có tiềm năng trở thành top 10 nước có doanh thu điện ảnh lớn nhất thế giới trong các năm sắp tới.
Dù doanh thu tăng cao, số lượng phim Việt chỉ chiếm gần 10% (24/254 phim). “Điểm yếu dễ nhận thấy là phát triển nóng, chi phí cao vận hành rạp cao nên khả năng sinh lời cho rạp chiếu chưa tốt, tiềm ẩn rủi ro nếu không cắt giảm được chi phí đặc biệt với khó khăn sau Covid”, bà nói.
Số lượng và chất lượng đội ngũ sáng tác, làm phim đang rất thiếu và nhu cầu về đội ngũ làm phim rất lớn. Với khối lượng phim phải sản xuất hàng năm hiện nay của điện ảnh, đội ngũ nhân lực làm phim, cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có không đủ và cũng chưa có sự chuyển động có tính đột phá trong thời gian tới.
Ngoài vấn đề thiếu vốn, nhân lực, một khó khăn khác với các nhà làm phim là phim trường. Nhà sản xuất - đạo diễn Mai Thu Huyền bày tỏ tiếc nuối vì các bối cảnh cổ trang phục vụ cho quay hình khi đoàn đóng máy đều phải phá bỏ hoàn toàn. Theo chị điều này lãng phí và không mang tính lâu dài, bền vững. Trong khi đó, ở nước ngoài, khi dựng phim trường, họ giữ lại để cho khách tham quan.
"Nếu nhà nước hỗ trợ, chúng ta nên có phim trường lớn để vừa tiết kiệm vừa tái đầu tư sử dụng”, Mai Thu Huyền nói.
Trăn trở để điện ảnh Việt vươn cao bay xa
Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) đề cập câu chuyện về gỡ khó vốn cho các nhà làm phim. Theo đó, TP.HCM sẽ có chính sách hỗ trợ cho vay tối đa 200 tỷ đồng trong 7 năm và không tính lãi suất.
Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh có thể vay nhiều hơn nếu có nhu cầu và chỉ phải trả lãi suất nếu cao hơn 200 tỷ đồng. Theo ông Thanh, đây là phần hỗ trợ thiết thực cho ngành văn hóa với các thủ tục đơn giản và có bộ phận hỗ trợ chuyên trách.
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM chia sẻ TP.HCM là nơi tập trung toàn bộ ý tưởng nên cần nhiều vườn ươm kịch bản mà vườn ươm rất cần vốn nhỏ. Do đó, chỉ cần được cấp 10.000 - 20.000 USD để họ đem ra thử nghiệm.
Bên cạnh đó, về việc xây dựng phim trường, ông hiến kế cơ quan quản lý có thể linh động sử dụng các bãi đất trống để làm phim trường cố định hoặc tạm thời.
NSND Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM phát biểu cơ quan quản lý luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà làm phim. Ngoài các chính sách, thành phố còn hỗ trợ về tinh thần với những phim có kế hoạch tổ chức chặt chẽ, rõ ràng và có đóng góp thiết thực cho thành phố.
Bà Thúy dẫn chứng gần đây có tác phẩm Địa đạocủa đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - dự án hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đoàn phim đã được tạo nhiều điều kiện thuận lợi, phù hợp để hoàn thành công tác quay hình.
"Trong kế hoạch để triển khai đề án phát triển công nghiệp văn hóa thành phố, chúng tôi cũng có nội dung về cơ sở vật chất cụ thể để có lộ trình kêu gọi đầu tư và trong đó có phim trường, có trung tâm phức hợp...", bà tiết lộ. Điều này tạo ra cơ chế để kích cầu đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà làm phim.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhận định điện ảnh Việt tuy chưa rực rỡ như kỳ vọng nhưng đã có nền tảng nhất định. Do đó, muốn phát triển lĩnh vực này cần đầu tư nghiêm túc, tiếp cận nguồn lực cả bên ngoài lẫn bên trong.
Ông Đức nhấn mạnh TP.HCM là một trong những vùng đất tốt nhất để phát triển điện ảnh Việt Nam. "Với điều kiện đó, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm và coi đó là trọng tâm. Khi chúng ta đặt trọng tâm và muốn điện ảnh phát triển chúng ta phải đầu tư nghiêm túc, tiếp cận và khai thác tiềm năng sẵn có, kêu gọi các nguồn lực bên ngoài, phối hợp với nguồn lực tại chỗ để phát triển nhanh nhất, bền vững nhất”, ông nói.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng khi nói về điện ảnh, không chỉ nói về tài chính, tiền bạc. Đó còn là vấn đề liên quan cội rễ dân tộc - văn hóa mang đến tác động kép, không chỉ góp phần phát triển văn hóa xã hội mà còn góp phần tạo dựng uy tín, tôn vinh điều tốt đẹp của đất nước.
Trailer 'Nhà bà Nữ' - phim Việt có doanh thu cao nhất năm 2023
Lý Hải - Minh Hà và Phương Anh Đào phim 'Mai' được chào đón ở thảm đỏ HIFFVợ chồng Lý Hải - Minh Hà và diễn viên Phương Anh Đào phim 'Mai' được chào đón ở thảm đỏ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF). 顶: 5663踩: 93
评论专区