Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang trở thành nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng ở Anh muốn ly hôn nhưng không dám ra tòa giải quyết. Lý do là họ lo ngại không đủ chi phí để hoàn tất các thủ tục cần thiết,ềungườiAnhkhôngđủtiềnđểlyhôlịch đá epl theo Metro.
Khảo sát từ công ty luật Stowe Family Law ở nước này cho thấy một phần tư cặp vợ chồng đang có ý định chấm dứt hôn nhân buộc phải hoãn lại vì lạm phát, sinh hoạt phí ngày càng đắt đỏ.
Trong khi đó, chi phí pháp lý cho một cuộc ly hôn tốn đến 14.500 bảng Anh.
Theo Niamh McCarthy, luật sư đang làm việc tại Stowe Family Law, dù nhận thấy sự gia tăng ở mức cao của các yêu cầu ly dị nhận được vào tháng 7 năm nay, số vụ thực sự sẽ nhờ đến tòa án giải quyết không tỷ lệ thuận theo.
"Hóa đơn điện nước, lãi suất tăng làm nhiều người sợ không có đủ khả năng sống một mình", McCarthy đánh giá. Theo luật pháp Anh, các hộ gia đình (có vợ hoặc chồng, con cái) được hưởng mức giá điện nước, sinh hoạt phí ưu đãi hơn người sống độc thân.
Điều trớ trêu nằm ở chỗ nguyên nhân khiến nhiều gia đình lục đục, vợ chồng cãi vã lại xuất phát từ cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí.
"Rắc rối tài chính thường được coi là một trong những lý do hàng đầu khiến mối quan hệ vợ chồng tan vỡ", McCarthy chỉ ra.
Nói cách khác, thiếu tiền khiến các cặp vợ chồng cãi cọ, mâu thuẫn và muốn chia tay. Song, họ phải trả án phí cao cùng với rủi ro nợ nần sau khi chuyển sang sống một mình.
Louise (28 tuổi) nhiều lần muốn chấm dứt cuộc hôn thú kéo dài 3 năm. Cô và chồng đã ly thân nhưng chưa ly hôn vì lo sợ các khó khăn nảy sinh sau đó từ quyết định này.
"Chúng tôi không thể hủy hợp đồng thuê nhà sớm và cả hai đều không đủ khả năng tự cáng đáng tiền thuê nhà một mình. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục sống với nhau ít nhất 6 tháng nữa để san sẻ các hóa đơn", cô nói.
May mắn, cả hai vẫn giữ thái độ thân thiện khi ở chung nhà dù tình cảm đã hết. "Chúng tôi chia tay không phải vì ai đã làm gì sai mà chỉ vì cả hai đã thay đổi nhiều. Tôi và chồng sẽ chỉ là bạn đồng hành trong thời gian tới", Louise cho hay.
Nhưng không phải ai muốn ly hôn cũng ở trong hoàn cảnh thoải mái như vậy. Đại diện công ty luật Stowe Family Law bày tỏ mối lo ngại rằng nhiều cặp vợ chồng dễ mắc kẹt trong tâm lý thù địch đối phương, nhưng lại không thể "đường ai nấy đi" vì thiếu tiền.
"Khi các cặp vợ chồng thấy buộc phải ở chung nhà vì không đủ khả năng sống riêng, căng thẳng càng gia tăng và khả năng bị lạm dụng càng cao", người đại diện của Stowe Family Law giải thích.
Vợ chồng Elena (44 tuổi) ly thân từ 6 năm trước. Họ dự định vẫn tiếp tục sống cùng nhau để tiết kiệm cho đến khi bán được nhà trả nợ. Nếu ly hôn, các khoản thế chấp sẽ là gánh nặng lớn cho từng người.
Song, bạn đời của Elena ngày càng có xu hướng bạo lực. "Sống với người mình hết yêu, thậm chí sự tôn trọng của đối phương cũng biến mất, là điều rất khó khăn. Các cuộc cãi vã với những lời đe dọa diễn ra hàng ngày", người phụ nữ kể.
Cuối cùng, Elena chuyển về nhà mẹ đẻ cho đến khi bán được nhà.
"Tôi khuyên những người ở trong hoàn cảnh giống mình hãy đi đâu ở cũng được, nhưng đừng mắc kẹt với những người bạn đời tồi tệ chỉ vì đang thiếu tiền", cô nói.
Theo Zing