- Từ những miền quê nghèo của tỉnh Phú Thọ,ữngngườimẹbámbệnhviệnnuôiconănhọsoi kèo giải ngoại hạng anh những người mẹ trạc tuổi 30 - 40 lên thành phố, bám trụ tại các bệnh viện lớn để kiếm tiền nuôi con ăn học. Công việc vất vả, bữa đói bữa no, ngày thức gần như 24 giờ nhưng họ không một lời than phiền. Bởi khi nghĩ đến những đứa con nheo nhóc đang ở quê, các chị lại có động lực để tiếp tục công việc.
Công việc hằng ngày của các chị là trông nom bệnh nhân |
Đến bệnh viện 354 (Đốc Ngữ, Ba Đình), tôi không khó khăn khi tìm gặp các chị trông giúp bệnh nhân. Mỗi nhóm tầm 4 – 5 người, các chị tỏa khắp các khoa của bệnh viện. Công việc chính của các chị là vệ sinh, cho bệnh nhân ăn, xoa bóp, lau dọn phòng bệnh,…Đến giờ trực vào phòng, giờ nghỉ lại ra. Các chị làm việc thoăn thoắt như một con thoi không biết mệt.
Cuộc sống chật vật
Đa phần các chị đi trông giúp bệnh nhân đều là những nông dân chân lấm tay bùn. Cuộc sống quanh năm gắn liền với đồng ruộng không đủ ăn đủ mặc đã đẩy các chị đến những bệnh viện lớn – nơi có nhu cầu trông bệnh nhân.
Gặp chị Nguyễn Thị Hương (34 tuổi, xã Đồng Nương, Cẩm Khê) khi chị đang đi mua giúp bỉm cho bệnh nhân thì mới biết, chị đi làm nghề này đã gần được 10 năm khắp các bệnh viên Thanh Nhàn, Ung Bướu, Bạch Mai, Xanh Pôn, Y học Cổ truyền. Gia đình thuộc hộ nghèo của xã, gạo không đủ ăn nên chị đành rời xa chồng và đứa con đầu lòng khi mới lên 5 để lên thành phố kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Chị cho biết: “Ở nhà vợ chồng chỉ có 6 thước ruộng, đất cằn khô không đủ trồng lúa để ăn. Hồi còn ở nhà, tôi còn đi hái củi trong rừng, ngày kiếm được nhiều nhất là 100 nghìn, nhưng bữa được bữa không. Từng ấy tiền còn phải đong gạo nuôi 4 miệng ăn trong gia đình. Thấy khổ quá nên có người mách nước là đi trông bệnh nhân ở trên viện. Đi rồi mới có tiền nuôi gia đình. Chứ ở quê, đói khổ lắm em ạ”.
Khi có thời gian các chị ở ngoài hành lang tám chuyện cho vơi bớt nỗi nhớ nhà |
Khá khẩm hơn chị Hương một chút, gia đình chị Lê Thị Thúy (Yên Lập, Tạ Xá) có được sào mốt ruộng. Nhưng chừng ấy ruộng cũng không đủ nuôi gia đình khi thời gian ngoài vụ lúa, chị không có nghề phụ gì thêm. Chồng của chị hồi trước cũng đi làm thợ hàn, nhưng lỗ vốn nên quyết định cùng với chị lên bệnh viện bám trụ với nghề này.
Chị Thúy chia sẻ: “Ở quê, ngoài mùa lúa, tôi không kiếm ra được đồng nào. Được người làng giới thiệu đi làm, tôi cũng đi theo. Hai đứa con nhỏ, một đứa 10 tuổi và một cháu 8 tuổi gửi ông bà ngoại. Cứ ở nhà thì không biết lấy gì để mà ăn, rồi còn tiền ăn tiền học của hai đứa, không biết kiếm đâu ra một đồng”.
Ăn cơm bụi, ngủ vạ vật
Trông bệnh nhân mỗi ngày, các chị được trả tiền công là 250 nghìn. Nhưng để chắt bóp, giành dụm cho con nên các chị chỉ dám ăn suất cơm 10 nghìn đến 15 nghìn. Bữa nào không có người thuê thì chỉ dám ăn mì tôm.
Chị Bùi My (42 tuổi, Cẩm Khê) tâm sự: “Chị với cô bạn ngày nào cũng mua suất cơm 20 nghìn rồi chia đôi, mỗi đứa một nửa, chứ cũng không dám ăn nhiều. Có lúc gia đình bệnh nhân thương cảnh đi làm nên người ta cũng cho. Có các bác sĩ, y tá họ không ăn phần cơm của mình, về với gia đình để ăn cơm thì họ lại để phần lại cho các chị em ăn”.
Do tính chất của công việc, mỗi ngày các chị phải trông bệnh nhân gần 24 giờ. Chỉ trừ thời gian để bác sĩ chăm sóc riêng bệnh nhân là được ra khỏi phòng bệnh. Nhưng đã nhận tiền của người ta, các chị phải túc trực bệnh nhân ở ngoài phòng. Cứ thế, các chị cứ vạ vật khắp các hành lang, ghế đá. Những bệnh nhân mới vào, cần nhờ mua giúp gì, các chị lại chạy giúp.
Chị Khánh (33 tuổi, Minh Hòa, Yên Lập) tiếp câu chuyện: “Buổi tối, bọn chị chỉ được ngủ nhiều lắm là một tiếng, đôi khi chỉ được 15 phút. Bởi gặp những bệnh nhân bệnh nặng khó tính, lúc kê chỗ này, nâng chân chỗ kia, rồi nâng lên nằm xuống. Vất vả lắm em ạ”.
Trông bệnh nhân vào ban đêm, các chị được nằm ghế xếp nhưng nhiều hôm đau lưng quá đành trải chiếu nằm đất. Những hôm mùa đông rét mướt, các chị chỉ được manh chiếu dưới nền nhà với chiếc chăn mỏng ở trên.
Khi được hỏi sao không mang chăn bông vào, Chị Hương ngắt lời: “Mang chăn bông, nó cồng kềnh khó di chuyển nên chỉ được thế thôi em ạ. Mùa đông rét mướt, bọn chị còn chỉ mặc tấm áo mỏng để tiện làm việc. Bởi thế mà hay cảm cúm thường xuyên”.
“Chưa kể có những lần, chị đi làm ở bệnh viện Việt Xô, không có chỗ ngủ đành sang bên viện 108 trú nhờ nhưng bị bảo vệ đuổi suốt.” – Chị My nhớ lại.
Nỗi niềm của những người mẹ nghèo
Nỗi nhớ chồng con luôn thường trực trên khuôn mặt của các chị |
Đối với những người mẹ ở đây, hạnh phúc nhất là khi được đưa những đồng tiền mình kiếm được về trang trải cuộc sống cho con. Mua cho con tấm áo mới, mua chiếc xe đạp, đóng tiền học cho con. Thấy con được bằng bạn bằng bè, được đi học đàng hoàng là điều mà các chị cảm thấy hạnh phúc nhất. Bởi đời của các chị đã vất vả rồi, chỉ mong con có cuộc sống tốt hơn.
Đi làm xa, vài tháng về nhà một lần nên nỗi nhớ con luôn thường trực trong mỗi người làm mẹ. Chị Thúy kể lại nỗi nhớ con đau đáu: “Khi chị đi làm thì mới bỏ bú cho con, để nhà hai ông bà ngoại nuôi, nên khi bầu vú căng sữa phải vắt đi, nghĩ đến con ở nhà lại chảy nước mắt”.
“Về nhà thì hai đứa quấn mẹ lắm, khi nào muốn đi đều phải vờ đưa đi học rồi bảo trưa mẹ đón hoặc ở nhà mẹ đi tí rồi về ngay, nhưng mà mẹ đi lên thành phố luôn. Không thấy mẹ về, con khóc hỏi bố, bố bảo mẹ đi làm mua ô tô chơi thì mới yên lặng”- Chị Khánh rơi nước mắt khi nói đến con.
Công việc của các chị phải thường xuyên rửa ráy, lau chùi, đổ phân, nước tiểu cho người bệnh nên không ít lần các chị bắt gặp được những lời dè bỉu, khinh thường của những người khác. Nhiều lúc nghĩ cũng buồn cho công việc của mình nhưng trong thâm tâm các chị hiểu rằng, những đồng tiền mà bản thân kiếm được đều là bằng mồ hôi, nước mắt của chính mình.
Dù công việc vất vả, cường độ thời gian cao nhưng mỗi lúc có thời gian rỗi, các chị lại cùng nhau tụm năm tụm ba để “tám” với nhau những câu chuyện vui. Thi thoảng, các chị lại cùng giúp nhau đỡ đần công việc. Người kia bận, người này giúp. Đó là những niềm vui, sự sẻ chia giúp các chị xua đi nỗi nhớ nhà, nhớ chồng con.
- Bùi Thủy