Nếu mang nặng tính hành chính như nhiều đề xuất trong Dự thảo, mạch máu của nền kinh tế có khả năng sẽ bị đứt gãy.
Trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, một trong những đề xuất nóng được Bộ Tài chính nêu lên là điều kiện để các nhà đầu tư chuyên nghiệp đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ. Các cá nhân phải tham gia đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm, giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất. Ngoài ra, mức thu nhập phải tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất.
Quy định này khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy ngạc nhiên bởi với rào cản này, rất nhiều nhà đầu tư sẽ bị gạt ra khỏi thị trường một cách vô lý.
Ông Nguyễn Minh Thuyên (Hà Nội), người đã có gần 10 năm trong lĩnh vực đầu tư trái phiếu, tỏ ra bức xúc bởi những điều kiện hoàn toàn không có cơ sở và không phù hợp với thực tế.
"Tôi có xu hướng nắm giữ lâu dài nên sẽ ít có giao dịch thường xuyên. Như vậy tôi cũng trong diện không được tham gia thị trường. Quan trọng hơn là cách đặt ra rào cản như trên đang hạn chế quyền tự do và chủ động đầu tư của nhà đầu tư", nhà đầu tư này lên tiếng.
Là người theo dõi thị trường tài chính nhiều năm, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng cách đặt vấn đề như trên mang nặng tính "hành chính" và dường như để tránh… đổ lỗi khi có những vấn đề tiêu cực xảy ra với nhà đầu tư. Theo ông, đề xuất này nếu được thực hiện sẽ khiến trái phiếu, chứng khoán mất đi vai trò là thị trường mà ai cũng có thể tham gia.
Ông cũng cảnh báo, nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ khoảng 25-30% khối lượng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường. Trong khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế là rất lớn, lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Không loại trừ khả năng, nhiều nhà đầu tư có thể sẽ rút khỏi thị trường nếu điều kiện trên được áp dụng. Thị trường vốn bởi thế sẽ lộ ra khoảng trống hàng nghìn tỷ đồng để cung cấp cho các lĩnh vực. "Khi mạch máu bị teo tóp thì hậu quả là cơ thể không thể phát triển một cách bình thường được", vị chuyên gia so sánh.
Ở phía khác, giới chuyên gia cũng chỉ ra một trong những điểm cần xem xét trong dự thảo là yêu cầu tổ chức phát hành "phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ" (Khoản 4 điều 1 dự thảo Luật).
Đây cũng là vấn đề nóng đã được bàn luận trong phiên họp thẩm định dự thảo được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 9/9. Đại diện Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ ra thực tế, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính tốt có thể thực hiện các khoản vay nợ tín chấp, phát hành trái phiếu không có bảo đảm.
Đại diện Hiệp hội khẳng định, quy định bắt buộc trên thực tế không giúp sàng lọc các tổ chức phát hành có chất lượng. Ngược lại, yêu cầu này sẽ tạo rào cản lớn, trực tiếp làm giảm nguồn cung trái phiếu ra công chúng, bao gồm cả trái phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành, có thể huy động vốn tín chấp, không có bảo đảm.
Góp ý thêm về nội dung này, TS Đinh Thế Hiển chỉ ra, trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm đa dạng với các hình thức như: trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu có lãi suất cố định hoặc biến đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc không có tài sản đảm bảo… Việc đưa ra điều kiện bắt buộc phải có tài sản đảm bảo sẽ hạn chế thị trường thậm chí là gây triệt tiêu, làm mất vai trò là kênh đầu tư của trái phiếu.
Lên tiếng về dự thảo Luật Chứng khoán, giới chuyên gia chỉ ra thêm không ít quy định cần xem xét như quy định tổ chức tư vấn phải chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác, trung thực, đầy đủ và hợp lệ của các tài liệu; tổ chức kiểm toán phải chịu trách nhiệm về tính hợp lý của các số liệu báo cáo (Khoản 1 điều 1 dự thảo Luật).
Hay, khoản 16 điều 1 dự thảo Luật hiện đang đề xuất quỹ đại chúng chỉ được đầu tư tối đa 15% giá trị chứng khoán đang lưu hành của tổ chức đó và 35% tổng giá trị tài sản của quỹ vào chứng khoán đang lưu hành của các công ty trong cùng một nhóm có quan hệ sở hữu với nhau…
Góp ý chung, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, việc sửa luật cần phải được xem xét với tinh thần tôn trọng thị trường trái phiếu - kênh huy động vốn quan trọng nhất cho doanh nghiệp. "Thực tiễn khoa học và thế giới có rất nhiều để chúng ta tham khảo. Cần tránh những quy định cực đoan, đưa ra chỉ để đối phó", ông nhấn mạnh.
(责任编辑:World Cup)