Trong thời hội nhập,ênnghiệket qua c2 duy trì và thể hiện tính chuyên nghiệp là quy ước bất thành văn của người chuyên nghiệp. Chúng ta đã nghe nhiều câu chuyện về các quan chức và giới khoa bảng hành xử, như làm phiền đối tác trong đàm phán, hay có những hành vi làm ngạc nhiên cử toạ trong các hội thảo. Đó là những cách giao tiếp qua email, tin nhắn; cách phát biểu mang tính xúc phạm cá nhân; phát biểu khiếm nhã trong tọa đàm; hành xử thiếu tôn trọng đối với đồng nghiệp và người trẻ hơn. Những hành vi đó nói lên tính chuyên nghiệp của họ.
Tính chuyên nghiệp là gì? Người phương Tây đã có khái niệm này từ lâu. Một cách ngắn gọn, định nghĩa này nói rằng tính chuyên nghiệp bao gồm những việc làm, hạnh kiểm, mục tiêu và phẩm chất làm nên một chuyên gia. Nhưng từ điển không nói những hạnh kiểm và phẩm chất đó là gì. Trên báo, mỗi bài nói một khác. Trong thực tế, qua cọ xát với giới chuyên môn phương Tây nhiều năm, tôi nghĩ tính chuyên nghiệp có bảy đặc điểm sau đây: kiến thức chuyên ngành; tài năng; liêm chính; tôn trọng; có trách nhiệm; tự kiểm soát và hình ảnh, phong cách.
Đặc điểm quan trọng nhất của tính chuyên nghiệp là kiến thức chuyên môn. Chuyên gia được biết đến là qua kiến thức chuyên môn, hiểu theo nghĩa họ có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực hay một khía cạnh nào đó. Có người bỏ ra cả 30 năm chỉ để theo đuổi một gene hay một phân tử, hay một phương pháp rất hẹp. Kiến thức của giới chuyên gia được cập nhật hóa liên tục. Không chỉ là người có kiến thức, họ cũng có thể là người tạo ra kiến thức qua nghiên cứu hay các hoạt động chuyên môn khác. Người có bằng cấp cao chưa chắc kiến thức chuyên môn vững vàng, vì họ thiếu cập nhật hay chẳng có nghiên cứu. Do đó, bằng cấp là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để tạo nên một nhà chuyên môn hay tính chuyên nghiệp.
Đặc điểm thứ hai của tính chuyên nghiệp là tài năng, khả năng. Họ có kỹ năng để hoàn tất một công việc gọn gàng, đúng quy chuẩn và nhanh nhẹn. Người thiếu tính chuyên nghiệp cũng có thể làm được việc, nhưng "sản phẩm đầu ra" của họ không đẹp, không gọn gàng, hay nói chung là không đủ tốt. Người có tính chuyên nghiệp không bao giờ đổ lỗi theo kiểu "tại, bởi, vì" mà tìm giải pháp tốt nhất để hoàn tất công việc.
Đặc điểm thứ ba của tính chuyên nghiệp là liêm chính, trong cả hành xử hàng ngày lẫn đạo đức nghề nghiệp. Người chuyên nghiệp là người giữ lời hứa, nói là làm. Họ là những người có thể tin tưởng được. Nếu họ không đến dự hội thảo, họ sẽ báo trước và kèm theo lời xin lỗi. Họ không bao giờ làm sứt mẻ sự tin tưởng của người khác. Ngược lại, những người thiếu chính chuyên nghiệp là không đáng tin cậy, vì lời hứa không đi đôi với việc làm, và họ thiếu lòng tự trọng.
Đặc điểm thứ tư của tính chuyên nghiệp là tinh thần trách nhiệm. Người chuyên môn chịu trách nhiệm về suy nghĩ, phát biểu và việc làm của mình. Nếu công bố bài báo khoa học, họ sẵn sàng đối diện công chúng để giải thích và bị chất vấn về công trình nghiên cứu. Nếu họ hướng dẫn nghiên cứu sinh, họ sẵn sàng bảo vệ nghiên cứu sinh trước những chỉ trích vô lý.
Đặc điểm thứ năm là tự kiểm soát. Người có tính chuyên nghiệp cao có thể giữ tư cách trước áp lực lớn. Chẳng hạn như trước những mắng mỏ của khách hàng, họ vẫn bình tĩnh giải thích và phục vụ chứ không "đôi co". Người chuyên nghiệp có khả năng tự kiềm chế để không sa đà vào những tiểu tiết hay những ngụy biện của người khác.
Đặc điểm thứ sáu của tính chuyên nghiệp là tôn trọng người khác. Thật vậy, người chuyên môn lúc nào cũng tỏ ra kính trọng đồng nghiệp và những người xung quanh, bất kể họ giữ địa vị gì trong xã hội. Tôn trọng đồng nghiệp cũng có nghĩa là không nói xấu, và tuyệt đối không xúc phạm đồng nghiệp. Nhà khoa học giải Nobel Y học Peter Doherty khuyên rằng nếu không có gì tốt để nói về đồng nghiệp thì nên im lặng. Những hành xử như sỉ vả học trò, đồng nghiệp là thiếu đạo đức hơn là vô giáo dục. Người chuyên nghiệp có độ "thông minh xúc cảm" cao, và không để cho một ngày xấu trời ảnh hưởng đến tư cách của họ.
Hình ảnh và sắc diện là đặc điểm thứ bảy của tính chuyên nghiệp. Người chuyên nghiệp xuất hiện với trang phục chỉnh chu, không màu mè, không quá trang trọng nhưng thích hợp cho tình huống, và lịch thiệp. Xuất hiện với trang phục lôi thôi, thiếu gọn gàng, cầu kỳ quá mức chẳng những thiếu tính chuyên nghiệp mà còn được hiểu là xem thường người đối diện.
Nơi tôi sống, tính chuyên nghiệp rất được coi trọng trong công việc hàng ngày. Khi nhận việc, ai cũng tỏ ra có trách nhiệm làm tốt nhất trong khả năng có thể, ai cũng chịu trách nhiệm nếu công việc không êm xuôi. Người thợ làm được việc, nhưng người chuyên nghiệp làm được việc một cách đẹp đẽ. Chỉ cần đến trễ buổi họp, người ta phải thông báo cho chủ tọa biết. Họ hứa là làm; nếu không làm được thì báo trước. Nếu không đến dự buổi họp thì cũng gọi điện thoại hay gởi email báo cho người chủ toạ biết chứ không im lặng. Ngoại trừ vài người ăn mặc "lôi thôi", tuyệt đại đa số những người có trách nhiệm như cấp quản lý, giáo sư, ai cũng ăn mặc đàng hoàng và "thông minh". Ông sếp cũ của tôi luôn khoác áo jacket và thắt cà vạt trước khi ra chào bệnh nhân. Ông hay nói, "mình làm vậy là để kính trọng người đối diện".
Nhưng ở Việt Nam và người Việt, tôi thấy tính chuyên nghiệp chưa được xem trọng. Tôi nhận nhiều email, nhưng tính thiếu chuyên nghiệp rất rõ ràng, như không xưng tên, viết tiếng Việt theo kiểu thiếu niên, câu cú chẳng đâu vào đâu. Ngoại trừ, chỉ một em từ Hà Nội, mới 15 tuổi thôi, nhưng viết rất chuyên nghiệp. Tôi đã "ấn tượng" và dành cho em cơ hội báo cáo nghiên cứu của em trong một hội nghị ở Đà Nẵng.
Có những người hình như không chú ý đến tính chuyên nghiệp là gì. Trong một hội nghị quốc tế tôi chủ trì, có vài đồng nghiệp đã gửi báo cáo, được thông báo, được sắp xếp để báo cáo, nhưng đến phút cuối họ không đến. Và quan trọng nhất, không một lời báo trước. Dĩ nhiên cũng chẳng có lời xin lỗi, để chủ tọa gọi lên báo cáo thì hoàn toàn im lặng.
Cách nhận xét trong công việc cũng có nhiều vấn đề. Có những người nhận xét luận án của đồng nghiệp và nghiên cứu sinh một cách vô cùng trịch thượng, nhằm hạ thấp nhân phẩm của nghiên cứu sinh hơn là giúp họ làm tốt hơn. Hình như người ta quên rằng tìm ra cái hay của một công trình nghiên cứu khó hơn là tìm ra cái dở. Có người mà cách nói và hành động chỉ có thể mô tả bằng hai chữ "nhỏ mọn".
Dĩ nhiên, không phải môi trường phương Tây nào cũng mang tính chuyên nghiệp như bảy đặc tính trên, nhưng ở những nơi "cấp tiến", tôi thấy đại đa số đều duy trì tính chuyên nghiệp rất cao. Ở phương Tây, "That is not professional" (cách đó thiếu chuyên nghiệp) là một nhận xét khá nặng nề. "Cách hành xử" có thể là hành vi đối xử kém thân thiện, là lời phát biểu đùa bỡn không thích hợp, là nhận xét không tốt về cá nhân ai đó, đi trễ buổi họp, sai giờ hẹn... Câu nói đó không chỉ nói lên rằng người hành xử không xứng đáng đứng trong hàng ngũ những người có chuyên môn cao, mà còn là một phê phán về đạo đức nghề.
Chúng ta từng thấy vài quan chức ăn mặc lếch thếch như áo ngoài quần, mang dép trong hội nghị khoa học, đầu tóc bù xù, gây cảm giác phi khoa học. Trong hội nghị có những người cứ chằm chằm vào cái điện thoại mà không lắng nghe báo cáo, do đó không thể tham gia thảo luận. Tính thiếu chuyên nghiệp phổ biến nhất là họ nói quá giờ trong các hội nghị và họ hình như cũng chẳng quan tâm việc họ lấy thì giờ của người khác. Trong quá trình hội nhập quốc tế, tính thiếu chuyên nghiệp của các quan chức và giới khoa học không tốt cho hình ảnh đất nước.
Ngược lại với những quan chức và giới khoa học, tôi thấy ở Việt Nam, trong các khách sạn, nhà hàng, siêu thị - chủ yếu do người nước ngoài quản lý - các nhân viên phục vụ rất ư chuyên nghiệp. Các em mặc đồng phục, chào khách hàng, tiễn khách bằng một câu xã giao, hỏi gì cũng tận tình hướng dẫn.
Trong đời sống, bất cứ ai trong chúng ta, kể cả tôi, cũng hơn một lần hành xử kém chuyên nghiệp. Có thể đó là những lần quá bận rộn, kém suy nghĩ, non nớt, hiếu thắng, nóng giận, nói chung là sai. Nhưng nếu đủ khiêm cung, ta đều có cơ hội sửa mình.
Nguyễn Văn Tuấn
Trở lại Góc nhìnTrở lại Góc nhìn