Có lẽ chưa bao giờ người miền Tây lại rơi vào cảnh ngộ như bây giờ. Ở vùng đầu nguồn,ớthươngconnướkết quả giải bóng đá ý bà con mưu sinh bám vào mùa nước nổi giờ hầu như đời sống bấp bênh vì không có nước. Phía hạ nguồn, nước mặn đã "bò" sâu vào đất liền. Từng dòng người phải bỏ xứ, tiếp tục "trôi" về các đô thị lớn. Thế nhưng, trong thời dịch bệnh, lên thành phố cũng là đánh cược với rủi may. Biết bao công ty đã đóng cửa, nhiều ông chủ phải đẩy nhân công ra đường. Nhiều người nghèo không thể về lại khu vườn, mảnh ruộng của mình, đành bám phố sống cầm chừng với tương lai mờ mịt.
Tôi mới xách xe chạy về quê mình nơi đầu nguồn sông Hậu. Đến nơi mới biết, nước nổi vẫn chưa tràn đồng. "Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ" - nghĩa là tới tháng bảy âm lịch, mùa nước nổi sẽ bắt đầu, và nó thường kết thúc vào cuối tháng mười. Nhưng năm nay, đã gần giữa tháng tám âm lịch, nước vẫn chưa về.
Anh tôi đang ngồi vá mấy tấm lưới dớn trước sân, vừa thấy tôi đã thở dài than "con nước năm nay không biết sao giờ chưa chịu về", bà con trong xóm đang ngóng trông từng ngày. Anh nói, dân quê mình sống chủ yếu bám vào con nước. Hàng trăm hộ đã chuẩn bị sẵn câu lưới xuồng ghe, tiền bạc sắm sửa cho hoạt động đánh bắt cá tôm mỗi mùa nước cũng ngốn cả chục triệu chớ đâu có ít. Vậy mà tình hình nước nôi thế này chắc năm nay khó lòng lấy vốn lại. Hai đứa con lớn của anh đã nghỉ học đi Bình Dương làm thuê. Từ đầu năm đến giờ, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cũng thất nghiệp, đang tính về quê. Nhưng anh khuyên con cứ ở lại trên đó, biết đâu có chỗ khác thuê làm, chớ về quê mùa này cũng không làm gì được. Ngay cả anh, nếu đợi vài hôm nữa mà nước không lên cũng sẽ đi thành phố làm phụ hồ kiếm tiền cho đứa con trai út nhập học.
Mấy người đàn ông trong xóm cũng kéo đến. Họ bảo mấy năm trước giờ này họ đang ở trong đồng chớ dễ gì ở nhà. Lênh đênh trên sóng nước đầu nguồn, cực mà vui lắm vì ngày nào cũng chở về mấy chục ký cá. Vậy mà giờ ngày nào cả xóm cũng ngóng chờ con nước chụp lên, nhưng rồi thất vọng trong mòn mỏi. Vài người nghĩ đến phương án bán lại xuồng ghe, câu lưới để đi Bình Dương. Nhưng bán lại cho ai trong tình hình này? Mà bán được rồi, những nông dân sông nước liệu có trụ nổi với thị thành? Những câu hỏi ấy cứ quặn thắt như con nước đục ngầu giữa lòng sông Hậu.
Mấy người đàn ông nói chuyện một lúc rồi ai nấy lặng lẽ về nhà. Tôi thắp nhang trên bàn thờ ba tôi rồi ra ngồi trước cửa, dõi mắt về phía cánh đồng khô cháy. Trước đây, khi mấy công đất cuối cùng của vụ hè thu cắt lúa xong, nhìn con sông Cái nước chảy đục ngầu, cả nhà tôi lại chuẩn bị đón mùa nước nổi. Công việc quan trọng nhất đầu mùa là sắm sửa các dụng cụ đánh bắt cá tôm. Lọp lờ, câu lưới, xuồng ghe phải được chuẩn bị kỹ từ trước đó.
Nước về, ba và anh em tôi lập tức ra đồng. Trong các nghề hạ bạc mùa nước nổi, ba tôi nổi tiếng cả xóm về tài giăng câu. Tùy theo con nước mà ông chọn loại mồi câu khác nhau, để bắt cá loại cá khác nhau. Nước mới chụp lên đồng thì ba giăng câu mồi nhái bắt cá lóc; giăng mồi trùn bắt cá trê, cá rô. Nước cao hơn chút nước thì ba giăng mồi kiến cánh bắt cá chày, cá lòng tong mương. Nước bêu thì giăng câu mồi cua con bắt cá lóc...
Tôi nhớ có lần ba bơi xuồng giữa cánh đồng, thấy mấy con cá vồ đém ăn móng gần đám rong đuôi chồn. Ba bơi xuồng về nhà, kêu tôi đi hái bông súng, bông điên điển và me non để lát nấu canh chua. Tôi hỏi ba nấu với cái gì. "Nấu với cá vồ đém", ông không giải thích gì thêm, với tay lấy loại dây câu có tóm lưỡi bự, bắt vài con cá chạch đực rồi bơi xuồng về phía đám rong đuôi chồn. Ba bủa câu, ngồi hút chưa tàn điếu thuốc thì cuốn lên bốn con cá vồ đém bự chảng. Trong bữa cơm canh chua cá vồ đém, ông dạy anh em chúng tôi về cách giăng câu bắt từng loại cá dưới nước, mỗi loại một loại mồi câu đặc trưng, cách móc mồi và hướng bủa câu thế nào. Bởi vậy, anh em tôi từ nhỏ đã có thể cầm cả thiên câu đi giăng. Mùa nước nổi, cá mắm nhà tôi vừa ăn vừa bán không bao giờ hết.
Trong tất cả các nghề đánh bắt mùa nước nổi, đặt đáy là đánh bắt được nhiều nhất. Đáy đặt ở vàm kinh hay vàm sông, bao nhiêu cá tôm từ đồng trôi ra là vô đáy hết. Cá nhiều đến mức người ta phải dùng mấy cánh tay đòn bằng tre để nâng cá lên, rồi đổ vào ghe. Cỡ cá từ đồng ra nhiều, mỗi lần đổ đáy được cả ghe cá. Mà đổ xong rồi quay lại đổ liền, chứ chỉ chậm trễ một chút là cá đầy bầu không cất lên nổi. Cách đây chừng chục năm, tôi làm mướn cho đáy ông tư Ly đặt ở vàm rạch Trà Bông. Cỡ nước kém cá ra nhiều, cả chục nhân công làm không xuể, đèn đuốc thắp sáng đêm như hội chợ. Có đêm ông Tư thấy nhân công mệt quá, đành xả bầu cho cá đi bớt. Ông kể mấy chục năm sống bằng đủ thứ nghề hạ bạc nhưng không bao giờ tận diệt cá tôm. Những ngày rằm âm lịch, ông thường xả bầu không bắt cá để tích đức.
Những mùa nước nổi, bà con miền Tây làm nghề nào cũng có thể mưu sinh được. Nhưng ba tôi và những người như ông năm Hùng, ông tư Ly chắc chắn không thể ngờ rằng có ngày con tôm con cá biệt tăm như bây giờ. Vì đâu, con nước "trốn" mất tiêu.
Các con đập trên dòng chính Mekong đã giữ lại lượng nước lớn kỷ lục, khiến cho ngay đỉnh điểm của mùa mưa, khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ từ mất dần mùa nước nổi. Mặt khác, nhiều nghiên cứu cho thấy hiện tượng khai thác cát quá mức ở hạ nguồn đã khiến đáy sông bị sụt lún. Trong khi đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lại làm cho mực nước biển dâng lên. Hai yếu tố này gây ra tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng.
Số tiền hàng trăm tỷ đồng ngân sách cấp cho các dự án chống hạn mặn, chưa kể nguồn lực xã hội từ các hoạt động thiện nguyện của đồng bào cả nước mỗi năm, cùng các thống kê thiệt hại tăng dần đều hàng nghìn tỷ đồng có đủ cứu đồng bằng?
Ngoài việc lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa với tư cách quốc gia trước các thỏa thuận sử dụng tài nguyên nước trong khu vực, nghĩ ra giải pháp tự cứu mình về lâu dài là yêu cầu nghiêm túc với người ở đồng bằng, các tổ chức, cơ quan địa phương và chính phủ. Mỗi lần có các diễn đàn lớn về đồng bằng, chúng tôi lại khấp khởi, nhưng rồi lại thấy vấn đề mau chóng lắng yên. Ngay cả các lãnh đạo địa phương, tôi thấy các phát biểu về vấn đề nóng này của họ năm nào cũng na ná như nhau, không có ý tưởng gì đột phá. Nếu thiếu giải pháp quyết đoán, tôi sợ rằng chúng ta sẽ phải chứng kiến cái chết của một trong những dòng sông vĩ đại nhất thế giới.
Chúng ta đã và sẽ vẫn mải miết nói về biến đổi khí hậu, về các chiến lược vĩ mô, gồm cả câu chuyện của đồng bằng. Người quê tôi hẳn ít biết những chiến lược to tát, những dự án tỷ đô triệu đô ấy. Họ chỉ thấy tiếc nhớ mùa nước nổi giờ không còn nữa. Trong tâm thức dân miền Tây, nó không chỉ là một mùa mưu sinh mà còn là dấu ấn văn hóa đặc sắc, là ký ức tráng lệ không gì thay thế được. Mùa nước nổi mất đi đem theo nguồn sinh kế của bà con, mất đi những giá trị lịch sử, tinh thần mà đồng bằng đã chắt chiu từ mấy trăm năm tuổi.
Quê tôi bây giờ ai cũng nhớ mùa nước nổi. Nỗi nhớ cứ day dứt và quay quắt như nhớ người thân yêu đã lâu rồi chưa gặp mặt.
Trương Chí Hùng
Trở lại Góc nhìnTrở lại Góc nhìn