Ngày 18/12,ảichiếuhoamờigọiđầutưtrảithảmđỏthuhútnhântàbongdanet trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc, nhiều lãnh đạo địa phương, bộ ngành, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao đã cùng thảo luận về đẩy mạnh công tác đối ngoại, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nêu kinh nghiệm của tỉnh khi thành công trong thu hút FDI lớn nhất cả nước.
Thu hút FDI của tỉnh gấp hơn 30 lần về số vốn và số dự án so với năm 1997. Lũy kế đến ngày 30/11 hơn 4.200 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 40,3 tỷ USD, đứng thứ hai trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch tỉnh Bình Dương chia sẻ, tỉnh sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy chủ trương “trải chiếu hoa" mời gọi đầu tư, "trải thảm đỏ" thu hút nhân tài của tỉnh Sông Bé cũ.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh, phối hợp đồng bộ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tăng cường ngoại giao kinh tế.
Quy hoạch vành đai công nghiệp, vành đai đô thị, dịch vụ gắn với vành đai giao thông, phát triển công nghiệp khoa học công nghệ, công nghiệp thế hệ mới, phát triển đô thị theo mô hình TOD và mô hình Khu liên hợp Công nghiệp, đô thị và dịch vụ.
Quan tâm công tác quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối vùng, trong đó phục vụ nhu cầu cho nhà đầu tư như tuyến đường vành đai, tuyến đường sắt và ga hàng hóa hậu cần, …
Ngoài ra, ông Minh cũng cho rằng cần hình thành trường đại học chất lượng cao phục vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam giới thiệu về đặc trưng của tỉnh khi có khí hậu rất đặc biệt và thực sự hiếm có để phát triển nguồn năng lượng tái sinh. Tổng số giờ nắng mỗi năm lên đến 2.800 giờ, nhiều nhất tại Việt Nam; tốc độ gió khoảng 15 mét/giây. Với lợi thế như vậy, Ninh Thuận đã phát triển năng lượng tái tạo.
Từ khi có Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng đề án và nghị quyết chuyên đề, trong đó xác định Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Chính phủ cho Ninh Thuận phát triển khoảng 2.000 MW trong vòng khoảng 3 năm. Với chủ trương như vậy, từ 2019-2021, Ninh Thuận cũng đã mời gọi được nhiều nhà đầu tư, trong đó đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược.
Chủ tịch tỉnh Trần Quốc Nam bày tỏ, thành công của Ninh Thuận trong năng lượng tái tạo là không thể phủ nhận. Trong khoảng thời gian ngắn vài năm, từ một địa phương được coi bất lợi về tự nhiên nay Ninh Thuận phát triển thành công ngành năng lượng tái tạo.
Lãnh đạo tỉnh cho biết, trong kế hoạch sắp tới đến 2030, tầm nhìn 2050, Ninh Thuận xác định năng lượng tái tạo sẽ vẫn là ngành nghề dẫn dắt.
Xúc tiến cái gì, với ai và như thế nào
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo (Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU) chia sẻ, ông nhận thức rõ nét sự trăn trở, tâm huyết của lãnh đạo địa phương trong việc làm thế nào để đổi mới, công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu quả của hoạt động này.
Theo ông trong phối hợp giữa cơ quan đại diện ngoại giao với địa phương khi xúc tiến đầu tư cần trả lời được 3 câu hỏi "xúc tiến cái gì, xúc tiến với ai và xúc tiến như thế nào".
Đại sứ phân tích, các địa phương cần xác định lựa chọn sản phẩm ưu thế của mình, xây dựng dữ liệu quảng bá, tìm hiểu kỹ nhu cầu của đối tác. Có thể đối tác hiện chưa có nhu cầu, nhưng vẫn xây dựng dữ liệu và coi đó là đối tượng để có kế hoạch tiếp xúc. Tuy nhiên, quan trọng nhất là cần tìm hiểu để ra lợi thế cạnh tranh của địa phương để tập trung thúc đẩy hợp tác.
Khi tiến hành xúc tiến, cần chuẩn bị đúng nội dung, phù hợp đối tác, tránh dùng “1 bài” cho mọi đối tác. Sự chuẩn bị cần thể hiện chuyên nghiệp, có tiếng Anh, những bài trình bày dễ hiểu, ngắn gọn, đủ thông tin”. Xúc tiến đầu tư có thể kết hợp với các sự kiện lớn của thế giới, của sở tại hoặc tổ chức riêng để tăng hiệu quả sự liên kết, giảm chi phí, mời doanh nghiệp có nhu cầu tham gia.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, các địa phương của Việt Nam đang có nhiều thế mạnh trong đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài.
Việt Nam là một điểm sáng tăng trưởng của kinh tế thế giới với GDP cả năm 2023 dự báo đạt trên 5%. Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được bảo đảm. Việt Nam đang “bắt nhịp” kịp thời xu thế mới, thích ứng với quy định mới (thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon…).
Việt Nam đã xây dựng định hướng, chiến lược phát triển kinh tế rõ ràng, tạo cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư hoạch định, xây dựng kế hoạch đầu tư lâu dài, và đang tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng.
Chính phủ, các địa phương cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trên cơ sở chương trình, chiến lược ở cấp quốc gia, các địa phương cũng tích cực lồng ghép mục tiêu chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, hoàn thiện hạ tầng xanh trong quá trình xây dựng quy hoạch địa phương.
Điểm cuối cùng và rất quan trọng, Thứ trưởng cho biết, quan hệ của Việt Nam với đối tác tiếp tục được mở rộng, làm sâu sắc và nâng tầm. Cục diện đối ngoại thuận lợi chưa từng có là nền tảng để Việt Nam thu hút hiệu quả nguồn lực bên ngoài.