Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân,ổngthốngĐứcthămViệtNamTạođộnglựcmạnhmẽthúcđẩyquanhệsongphươnglêntầmcaomớkết quả lượt đi c2 Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam trong hai ngày 23 - 24.1.
Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Guido Hildner.
Nhân dịp này, Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner đã trả lời phỏng vấn báo chí về các nội dung liên quan đến chuyến thăm:
Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước sắp tới của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và phu nhân Elke Büdenbender tới Việt Nam?
Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Đức tới Việt Nam là điểm nhấn trong quan hệ song phương trong năm 2024. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Tôi được biết, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier rất kỳ vọng vào chuyến thăm Việt Nam lần này. Ông đã biết đến đất nước Việt Nam từ những chuyến thăm trước đây dưới cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Đức.
Với tư cách cá nhân, Tổng thống rất mong muốn tận mắt chứng kiến những thành công mới của Việt Nam trong những năm vừa qua. Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam (ngày 23 - 24/1), Tổng thống Steinmeier sẽ có các cuội hội đàm và hội kiến với Lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Ông sẽ tới thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại Hà Nội, gặp gỡ các học viên, giáo viên, các đối tác tuyển chọn lao động để tìm hiểu về trao đổi lao động lành nghề giữa Việt Nam và Đức. Sau đó, Tổng thống dự kiến sẽ tham dự buổi trò chuyện về tiểu sử và kinh nghiệm nhập cư.
Trong ngày làm việc thứ hai tại Việt Nam, Tổng thống sẽ rời đi Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, ông và đoàn doanh nghiệp Đức sẽ có cuộc trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tại Việt Nam về triển vọng hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước. Sau đó, Tổng thống sẽ tới thăm Trường Đại học Việt Đức (VGU) và có bài phát biểu trước sinh viên, giảng viên của trường. Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975. Hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược năm 2011. Từ năm 2020, Việt Nam được xếp là “Đối tác toàn cầu” trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 của Đức.
Theo Đại sứ, đâu là yếu tố quan trọng nhất để hai bên thúc đẩy quan hệ song phương?
Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng trong những thập kỷ qua. Đức luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển đất nước. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là lĩnh vực trụ cột quan trọng trong quan hai nước. Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 11 tỷ USD. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Trên 350 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam. Tính đến tháng 5/2023, Đức có 444 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,36 tỷ USD, đứng thứ 18/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Giáo dục là một trong những lĩnh vực trọng tâm hợp tác của Đức tại Việt Nam. Hiện khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Hai nước thúc đẩy hợp tác đào tạo nghề.
Trường Đại học Việt Đức, trường đại học công lập hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức hướng đến mô hình trường đại học xuất sắc không chỉ của Việt Nam mà có tầm nhìn lâu dài thành một trường đại học xuất sắc của khu vực. Ngoài ra, hai nước tập trung phát triển các lĩnh vực hợp tác khác như năng lượng, môi trường và biến đổi khí hậu.
Cuối cùng, tôi xin nhắc đến cộng đồng người Việt đông đảo ở Đức với gần 200.000 người. Người Việt Nam ở Đức là cầu nối quan trọng giữa hai nước chúng ta.
Dư địa hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Đức còn rất lớn. Đại sứ có đánh giá thế nào về tiềm năng thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới?
Đức mong muốn tiếp tục mở rộng sự hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và chính trị. Chúng tôi coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Tôi nhận thấy hai lĩnh vực hợp tác tiềm năng cho hai nước trong thời gian trước mắt. Một là chuyển đổi năng lượng. Chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo và loại bỏ các nguồn năng lượng hóa thạch và than đá. Đức là một trong những quốc gia phát triển thiết lập quan hệ Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam. Lĩnh vực thứ hai tôi muốn đề cập đến là tuyển dụng lao động Việt Nam có tay nghề cao cho Đức. Thị trường lao động Đức mang đến cơ hội việc làm hấp dẫn cho người Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Theo TTXVN