Giành giật sự sống bên trong phòng điều trị sốc nhiệt do nắng nóng ở Ấn Độ_keocopa

Giành giật sự sống bên trong phòng điều trị sốc nhiệt do nắng nóng ở Ấn Độ - 1

Một bồn chứa nước đá trong phòng khám điều trị sốc nhiệt ở New Delhi (Ảnh: AFP).

Bệnh viện Ram Manohar Lohia ở Ấn Độ đã mở một khu vực cấp cứu mới nhằm đối phó với tình trạng quá tải bệnh nhân do nắng nóng gay gắt kéo dài kể từ giữa tháng 5.

Bác sĩ Amlendu Yadav đã sử dụng bồn nước lớn kết hợp với đá lạnh để hạ nhiệt cho những bệnh nhân gặp vấn đề vì nắng nóng ở phòng cấp cứu sốc nhiệt tại bệnh viện Ram Manohar Lohia ở thủ đô Ấn Độ. Những bồn này có ống dẫn nước lớn nên chỉ cần 2 phút để làm đầy.

"Chìa khóa ở đây là tốc độ, mỗi giây trôi qua tính mạng của bệnh nhân càng bị đe dọa", ông Yadav nói.

Việc giảm nhiệt cơ thể nhanh chóng giúp họ có nhiều cơ hội hồi phục hơn. Vì thế, bệnh viện đã trang bị bồn chứa nước có dung tích 250l và máy làm đá công nghiệp để kịp thời sơ cứu cho các nạn nhân.

Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 50 ca cấp cứu do sốc nhiệt chỉ trong một tuần vừa qua.

Người dân ở thành phố New Delhi và khu vực miền Bắc Ấn Độ đã phải hứng chịu đợt nắng nóng với nền nhiệt cao trên 40 độ C mỗi ngày kể từ giữa tháng 5. Trong đó, tháng 3 là đợt nắng nóng nhất trong lịch sử.

Vào hồi đầu tháng 6, Cơ quan Khí tượng Ấn Độ đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất tại thủ đô nước này, khi nhiệt độ đã tăng vọt lên hơn 49 độ C.

Theo báo Guardian, các bệnh viện ở thành phố New Delhi đã ghi nhận 275 ca tử vong do tiếp xúc với đợt sóng nhiệt từ giữa tháng 5. Hầu hết người tử vong là những người làm việc ngoài trời. Song, người nhà nạn nhân và bác sĩ đều không phát hiện ra nguyên nhân tử vong liên quan đến sốc nhiệt trong nhiều trường hợp. Do đó, số ca tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều.

Mặc dù đã quen với khí hậu nóng tự nhiên, nhiều người Ấn Độ chưa nhận thức rõ việc tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao có thể làm suy giảm ý thức, tổn thương gan, thận và một số cơ quan nội tạng khác.

"Nhiều người thường xem nhẹ các triệu chứng say nắng và tiếp tục làm việc thay vì tìm đến hỗ trợ y tế làm cho triệu chứng trở nặng dần gây ngất xỉu. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi đã phải dùng máy thở ngay lập tức để đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân", Bác sĩ Wasnik, chia sẻ.

Bên ngoài phòng cấp cứu, các hành lang đông kín bệnh nhân liên quan đến say nắng. "Chồng tôi bắt đầu nôn mửa sau một ngày làm việc ngoài trời. Tôi cứ nghĩ do anh ấy đã ăn nhầm gì đó", Sharmila Devi tâm sự sau khi chồng cô nhập viện do say nắng.

Trước khi đưa phòng cấp cứu đặc biệt này vào sử dụng, các bác sĩ đã sử dụng khăn, túi chườm lạnh và truyền dịch tĩnh mạch để tiến hành hạ nhiệt cho bệnh nhân. Song, biện pháp này tốn quá nhiều thời gian.

Việc thân nhiệt tăng lên khoảng 40 độ C - thậm chí vọt lên 43 độ C trong một số trường hợp - có thể gây tổn thương đến các cơ quan nội tạng nếu chậm trễ trong việc chữa trị.

Sử dụng các bồn nước lạnh giảm thời gian hạ nhiệt xuống chỉ còn khoảng 25-30 phút. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng bệnh nhân và chuyển họ sang khoa hồi sức tích cực khi thân nhiệt trở lại bình thường để tiếp tục điều trị.

Trong trường hợp quá tải, bệnh viện còn sử dụng bể bơi phao để thay thế cho bồn chứa. Chúng di động hơn và có thể sử dụng ở chính nhà của bệnh nhân để sơ cứu. 

Chuyên gia y tế Dileep Mavalankar, người từng tham gia xây dựng kế hoạch ứng phó với nắng nóng cho Ahmedabad ở Gujarat, chia sẻ: "Chúng ta đã liên tục ghi nhận những mốc nhiệt cao kỷ lục từ năm 2022. Nếu chúng ta không triển khai các chiến lược và biện pháp đối phó hợp lý, tình hình sẽ còn tệ hơn bây giờ nữa".

Những cơn mưa vào cuối tuần mang đến hơi gió mát, làm dịu bớt cái nắng gay gắt. Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Ấn Độ cũng cảnh báo thời tiết nắng nóng sẽ sớm quay lại.

Biến đổi khí hậu đã làm cho hiện tượng sóng nhiệt xảy ra thường xuyên và ngày càng khắc nghiệt hơn ở nhiều nơi trên thế giới.

Thùy Linh

Theo Guardian