Giao bài tập về nhà khiến học sinh “một cổ hai tròng”_vn đá hôm nay
Lời toà soạn:Sau khi đăng tải các bài viết phản ánh sự quá tải của bài tập về nhà,àitậpvềnhàkhiếnhọcsinhmộtcổhaitròvn đá hôm nay VietNamNet nhận được bài viết của nhà giáo Tùng Sơn. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Ngày 3/11/2014, Bộ GD-ĐT ban hành chỉ thị 5105/CT-BGDĐT với hàng loạt lệnh cấm, trong đó có “Nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh” đối với các lớp học hai buổi/ ngày. Nhưng thực tế thì sao?
Chưa cần giao, học sinh đã có bài tập về nhà
Đó là hai cuốn vở bài tập in là Vở bài tập Toán và Vở bài tập Tiếng Việt. Hai cuốn vở này ra đời cùng với sách giáo khoa chương trình năm 2000. Bất kì phụ huynh nào có con học tiểu học cũng quen thuộc với hai cuốn vở này. Chỉ trừ các địa phương vùng cao, vùng xa có thể vì cuộc sống quá khó khăn nên học sinh (HS) không phải mua hai cuốn vở đó.
(Ảnh chỉ mang tính minh họa, nhân vật trong ảnh không liên quan tới nội dung bài viết) |
Hầu hết phụ huynh HS đều không biết hai cuốn vở này hoàn toàn không bắt buộc, không nằm trong hồ sơ của HS. Nhưng ngay từ khi đăng kí mua sách giáo khoa cho HS, phụ huynh đã tích vào những cuốn vở đó để mua cho các con “học ở nhà”.
Vậy hai vở bài tập “về nhà” đó là những gì?
Vở bài tập Tiếng Việt là bài tập của sách giáo khoa Tiếng Việt. Các bài tập giữa sách giáo khoa làm ở lớp và vở bài tập hoàn toàn giống nhau, là nhân bản của nhau.
Còn Vở bài tập Toán thì có khác đôi chút, bài tập trên vở in là bài tập của sách giáo khoa được thay số và cuối tiết thường có bài tập nâng cao.
Điều đáng nói, dù là bài tập giữa sách giáo khoa và vở bài tập in giống nhau hoặc gần giống nhau mà tại sao học sinh lại phải mua cả hai thứ?
Và đã mua thì phải làm, chứ không lẽ học sinh đã mua về mà lại bỏ sách trắng?
Thế nên, cứ sau mỗi ngày đi học về, tối đến các em lại cặm cụi với vở bài tập. Vở bài tập Toán còn hấp dẫn tí chút vì các bài toán đã được thay bằng con số khác, chứ Vở bài tập Tiếng Việt thì học sinh không hứng thú vì các em chỉ có việc viết lại những gì lúc chiều đã làm trên lớp.
Về phía giáo viên, đã mua vở bài tập in giúp các em thì cũng phải đôn đốc các em hoàn thành. Nếu không kiểm tra và thúc giục, nhiều em sẽ bỏ bài hoặc viết cẩu thả mất thẩm mĩ và lại thành thói xấu là bỏ bê bài tập.
Một số giáo viên vẫn giao thêm bài
Dù biết Bộ có Chỉ thị 5105 nhưng nhiều giáo viên vẫn soạn và in thêm đề bài cho HS làm ở nhà.
Vì sao các cô giao thêm bài về nhà?
Có nhiều lí do, nhưng cơ bản là muốn các con học giỏi hơn HS lớp khác. Các cô lo rằng khi nhà trường khảo sát chất lượng các lớp, điểm lớp mình thấp hơn hoặc lại có nhiều HS yếu hơn. Lo là đúng, vì đó là điều liên quan đến hãnh diện và xấu hổ trong công việc của nghề dạy học.
Ảnh Đinh Quang Tuấn (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nhân vật trong ảnh không liên quan tới nội dung bài viết) |
Không phải ngày nào các cô cũng giao thêm bài về nhà. Cũng có cô thì vài ngày một bài, cũng có cô thì giao phiếu bài tập cuối tuần. Nhưng cấp tập nhất là vào cuối học kì và cuối năm học. Vì muốn các con lớp mình không thua chị kém em (so với lớp khác), các cô ngày nào cũng giao thêm bài tập, nhất là các dạng bài có thể nằm trong đề kiểm tra định kì...
Thêm vào đó, cha mẹ HS lại đồng thuận. Với quan điểm học nhiều là tốt, đa số cha mẹ HS đồng thuận việc HS có bài tập về nhà.
Nhiều phụ huynh còn chê con “Tối đến chẳng thấy học bài gì cả” hoặc “Con nhà em tối chỉ ngồi vào bàn loáng cái đã xong rồi”.
Họ đâu biết rằng, chỉ HS trung bình, yếu mới làm bài lâu. Còn những HS khá giỏi thì chỉ cần nửa tiếng là xong các vở bài tập rồi. Với tuổi các em, làm xong bài tập cô giáo giao là tốt rồi, không thể biết tự tìm thêm bài khác để làm được.
Cha mẹ HS chẳng cần biết tinh thần hay Chỉ thị 5105 là gì. Họ chỉ cần con mình là những học sinh chịu khó, ngày học, tối cặm cụi làm bài. Phải chăng, tinh thần đổi mới giáo dục chưa ngấm được ra xã hội?
Như vậy là vở bài tập in cộng với phiếu bài tập về nhà đã khiến HS tiểu học chịu “một cổ hai tròng”. Những HS chữ viết kém lại được giao thêm bài luyện viết ở nhà nữa là “tròng” thứ ba.
Mong rằng tinh thần chỉ đạo của Bộ được đông đảo phụ huynh hiểu được và ủng hộ. Có như vậy thì các em mới thực sự học để mà vui.
- Nhà giáo Tùng Sơn