DN tuần qua: Chủ tịch Viettel Post từ nhiệm; vén màn đa cấp Lô Hội
Mai Chi(Dân trí) - Công ty dạy làm giàu thua lỗ, cổ phiếu bị cắt margin; Đa cấp Lô Hội từng liên quan vợ chồng Đoàn Di Băng; ông Nguyễn Thanh Nam xin từ nhiệm Chủ tịch Viettel Post... là những tin tức được quan tâm.
Chủ tịch Viettel Post xin từ nhiệm
Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) công bố thông tin bất thường đã nhận được đơn xin từ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029 của ông Nguyễn Thanh Nam.
Trong đơn, ông Nam cho biết, việc xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và từ nhiệm Thành viên HĐQT xuất phát từ "lý do cá nhân" nhưng không nêu cụ thể. Thời điểm miễn nhiệm thành viên HĐQT sẽ thực hiện theo nghị quyết của ĐHĐCĐ Viettel Post.
Trước đó, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhất trí cho Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc tập đoàn nghỉ hưu theo nguyện vọng từ ngày 1/8. Ông Nam đã bàn giao nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel.
Vén màn Công ty đa cấp Lô Hội từng liên quan vợ chồng Đoàn Di Băng
Gần đây, vợ chồng ca sĩ Đoàn Di Băng vướng lùm xùm liên quan đến việc bị tố hứa xây nhà từ thiện cho người nghèo để làm nội dung trên mạng xã hội và trục lợi cá nhân thông qua hành động này.
Ngay sau khi sự việc nhận được sự chú ý từ cộng đồng mạng, nhiều người còn cho biết cặp đôi từng liên quan đến một công ty đa cấp nổi tiếng, chuyên "lùa gà", bán sản phẩm giá cao gấp 100 lần giá gốc.
Trong một video đang lan truyền trên mạng xã hội, doanh nhân Nguyễn Quốc Vũ và vợ Đoàn Di Băng từng xuất hiện trong một sự kiện của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội - công ty đa cấp với vai trò là senior manager (quản lý cấp cao).
Trên website của công ty, ông Vũ cũng được giới thiệu là quản lý cấp cao, gia nhập công ty từ tháng 5/2004 với vai trò là nhà phân phối. Sau 5 tháng, ông đã đạt cấp bậc manager (quản lý).
Một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp này công bố giai đoạn 2002-2011 cho thấy công ty này tăng trưởng doanh thu từ 9 tỷ đồng lên 351 tỷ đồng chỉ sau vài năm. Tỷ lệ hoa hồng dành cho nhà phân phối cũng ở mức 30-45%.
Đáng chú ý, doanh nghiệp đa cấp này từng bị thanh tra và xử phạt vì bán hàng cao hơn 100 lần giá gốc. Viên bổ sung dinh dưỡng Forever Bee Pollen của Mỹ do công ty này nhập khẩu giá vốn chỉ 3.271 đồng, nhưng bán buôn tại thị trường Việt Nam lên đến 244.000 đồng/viên và bán lẻ 348.000 đồng. Hiện, trên website của doanh nghiệp vẫn đăng tải bán sản phẩm trên với giá 568.818 đồng (chưa gồm VAT).
Công ty của diễn giả dạy làm giàu: Làm ăn thua lỗ, cổ phiếu bị cắt margin
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang (mã chứng khoán: VLA) công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm nay chỉ đạt 2,4 tỷ đồng, giảm 73,5% so với cùng kỳ.
Thu không đủ bù chi, công ty này thua lỗ 6,9 tỷ đồng (cùng kỳ vẫn có lãi sau thuế 151 triệu đồng). Theo đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6 ghi nhận âm 3,2 tỷ đồng. Tình hình này khiến cổ phiếu VLA bị HNX đưa vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ (cắt margin) kể từ ngày 21/8.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang do ông Nguyễn Thành Tiến làm Chủ tịch HĐQT (thành viên không điều hành). Theo báo cáo quản trị bán niên của Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang, tại ngày 30/6, ông Tiến đang sở hữu 458.170 cổ phiếu VLA, chiếm tỷ lệ 11,47% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Thành Tiến còn được biết đến với vai trò là diễn giả truyền cảm hứng, chia sẻ về phương pháp đầu tư, làm giàu cũng như tổ chức hàng trăm khóa học hội thảo về bán hàng, marketing. Giá các khóa học dao động từ vài trăm nghìn đến cả trăm triệu đồng.
Kể từ năm 2020, khi ông Nguyễn Thành Tiến lên làm Chủ tịch HĐQT thì Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang cũng chuyển đổi sang hoạt động đào tạo kỹ năng tư duy, bán hàng, giao tiếp, lãnh đạo, quản lý tài chính, quản lý thời gian; đào tạo kỹ năng nói trước công chúng.
Nửa đầu năm nay công ty thua lỗ. Giải trình nguyên nhân, lãnh đạo công ty cho biết, tình hình kinh tế khó khăn, đồng thời, lượng học viên tham gia các khóa học trong 6 tháng qua sụt giảm đáng kể.
Công ty liên quan vụ án Trương Mỹ Lan lại lỗ hơn 114 tỷ đồng nửa đầu năm
Báo cáo lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Dịch vụ - Thương mại TPHCM (Setra) công bố nửa đầu năm lỗ hơn 114,5 tỷ đồng. Kỳ trước, công ty này cũng lỗ hơn 273 tỷ đồng.
Như vậy từ năm 2021 đến nay, Setra đã lỗ tổng cộng khoảng 1.274 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6 năm nay, nợ phải trả của Setra giảm hơn 55% về mức gần 3.493 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu còn 2.000 tỷ đồng, giảm hơn 65%.
Theo báo cáo thanh toán lãi trái phiếu nửa đầu năm, Setra đã không thể trả một đồng lãi nào trên 2.000 tỷ đồng đã phát hành với lý do chưa thu xếp được nguồn thanh toán. Tổ chức phát hành nêu đang xử lý tài sản để thanh toán gốc lãi.
Setra là một trong 4 công ty nổi bật trong vụ án liên quan bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Quốc Cường Gia Lai "sống" nhờ đâu trong nhiều năm qua?
Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) bắt đầu hoạt động từ năm 1994, vốn là một doanh nghiệp khai thác chế biến gỗ xuất khẩu, mua bán và xuất khẩu nông lâm sản, cà phê, xuất nhập khẩu phân bón.
Đến năm 2005, công ty lấn sân sang mảng bất động sản, bắt đầu bằng 2 dự án khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh 1 và 2 tại TPHCM. Năm 2007, doanh nghiệp này được cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Thủy điện Ia Grai 1 và 2, Pleikeo, Ayun Trung (Gia Lai) và 4.000ha cao su.
Dựa trên các thế mạnh sẵn có, công ty bắt đầu thành lập các công ty con, góp vốn vào công ty liên kết làm dự án bất động sản. Năm 2007, công ty mở rộng quỹ đất dự án Phước Kiển, Nhà Bè, TPHCM từ 19ha lên 45ha.
2 năm sau đó, công ty đầu tư và xây dựng hàng loạt dự án tại TPHCM, khai hoang trồng mới thêm 1.000ha cao su, mở rộng dự án Phước Kiển lên 93ha. Đồng thời, nhà máy thủy điện Iagrai 1 (Gia Lai) được khởi công, công suất 10,8MW.
Từ đó đến nay, Quốc Cường Gia Lai tập trung vào các mảng kinh doanh như thủy điện, bất động sản, cao su, gỗ. Địa bàn kinh doanh chính tại TPHCM, Gia Lai, Đà Nẵng, Bình Dương, Vũng Tàu.
Mảng bất động sản đem lại nguồn thu chủ yếu cho công ty này trong nhiều năm qua, chiếm phần lớn tỷ trọng doanh thu. Năm 2018, mảng này chiếm 56% cơ cấu nguồn thu của công ty. Năm 2020, tỷ lệ này đạt cao nhất, lên mức 91%. Đến năm 2021, con số còn 82% và giữ mức tương ứng cho năm sau đó. Nhưng đến năm 2023, bất động sản còn chiếm 48%.
Nửa đầu năm nay, Quốc Cường Gia Lai doanh thu hơn 65 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm gần 17 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu giảm 69% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận vẫn tiếp tục âm.
Trong đó mảng bất động sản chỉ ghi nhận 8,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Con số này chiếm 13% tổng cơ cấu doanh thu.