4 thách thức lớn của nền kinh tế
Ông Nguyễn Đức Tâm - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân,ộtsốbộngànhchưaxemkhókhăncủadoanhnghiệplàkhókhăncủamìbxh ligue 1 pháp Bộ Kế hoạch và Đầu tư - tại một sự kiện mới đây đã điểm lại bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam trong nửa đầu năm.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như tăng trưởng quý I cao nhất khu vực Đông Nam Á nhưng nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ông Tâm nêu lên 4 thách thức lớn nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.
Thứ nhất là các động lực tăng trưởng mặc dù đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng khó tạo bước đột phá cho tăng trưởng năm nay.
Về phía cung, khu vực nông nghiệp tăng trưởng ổn định (khoảng 3-4%), khó tạo bứt phá cho tăng trưởng kinh tế chung. Khu vực công nghiệp khó chuyển biến nhanh do phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, các nền kinh tế lớn.
Khu vực dịch vụ, du lịch có chuyển biến nhưng thiếu yếu tố đột phá, cạnh tranh gay gắt từ các điểm đến quốc tế, cần thúc đẩy hơn nữa để phát huy tiềm năng đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng năm nay.
Các ngành, lĩnh vực động lực mới cho tăng trưởng như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip, bán dẫn… còn chậm, nguy cơ không bắt kịp được với các nước trên thế giới, khu vực, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước đã ban hành các gói chính sách quy mô lớn để thúc đẩy.
Doanh nghiệp vẫn đối mặt với 3 vấn đề lớn về thị trường, vốn và pháp lý. Một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để.
Một số bộ, ngành, địa phương, trong một số trường hợp chưa thực sự theo sát, đồng hành cùng doanh nghiệp; chưa coi khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình để đồng hành tháo gỡ, hỗ trợ.
Về phía cầu, tiêu dùng trong nước 5 tháng mặc dù tăng khá, nhưng dự báo cả năm khó có thể tăng trưởng cao như năm 2023 và các năm trước dịch 2015-2019. Vì vậy để tiêu dùng trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng thì cần tiếp tục có chính sách mạnh hơn để khuyến khích tăng tiêu dùng trong nước.
Tăng trưởng xuất khẩu là điểm sáng, nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn từ thị trường thế giới như áp lực cạnh tranh gia tăng, rủi ro bị áp thuế chống bán phá giá và các rào cản thương mại mới.
Doanh nghiệp phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững, tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG)… đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi thời gian để chuyển đổi không còn nhiều. Hiện nay, nhiều nước dự kiến áp dụng từ năm 2026.
Đầu tư tư nhân phục hồi chậm. Tốc độ tăng vốn FDI đăng ký có dấu hiệu giảm dần qua từng tháng, có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát còn đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn rủi ro. Dư địa điều hành lạm phát cả năm không còn nhiều khi bình quân 5 tháng tăng 4,03% so với cùng kỳ. Có những yếu tố tác động lên lạm phát rất khó dự báo, đặc biệt là biến động giá cả thế giới và tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.
Cung ứng điện vẫn là lo ngại lớn đối với doanh nghiệp FDI. Nhu cầu sử dụng điện tái tạo của doanh nghiệp ngày càng lớn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh, bảo vệ môi trường, giảm khí thải carbon.
Thứ ba, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đã phát triển bền vững hơn, nhưng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ như: tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém, ngân hàng "0 đồng"; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhất là các dự án lớn; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp; nâng hạng thị trường chứng khoán.
Thứ tư, thiên tai, dịch bệnh, thiếu nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, phòng cháy, chữa cháy, tai nạn giao thông… vẫn là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế xã hội.
Loạt giải pháp tháo gỡ
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trước những vấn đề nêu trên, thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung tham mưu với Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp.
Đầu tiên là tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các ngành, lĩnh vực mới.
Cụ thể, kịp thời nắm bắt kiến nghị của doanh nghiệp, tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tháo gỡ ngay các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết, gây khó khăn, vướng mắc, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân.
Cơ quan này đang tham mưu xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh; quy định về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng các chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp "đầu đàn", doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Thứ hai là tiếp tục thúc đẩy và làm mới các động lực về tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu. Chủ động đôn đốc, theo dõi, tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã ban hành.
Theo dõi, tham mưu các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao, dự án sản xuất chíp, bán dẫn…
Thứ ba là cần theo dõi sát tình hình lạm phát, làm tốt công tác phân tích, dự báo để kịp thời tham mưu với Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành, quản lý giá cả, bảo đảm kiểm soát lạm phát cả năm đạt cận dưới theo mục tiêu đề ra là 4-4,5%.
Thứ tư là tiếp tục chú trọng làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật như xây dựng, trình Quốc hội Luật Đầu tư công sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương và giảm bớt thủ tục hành chính trong đầu tư công.
Nghiên cứu, sửa đổi các quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quản lý vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương và cho các dự án, công trình giao thông đường bộ, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng đối với các chính sách có hiệu quả.