"Chúng tôi vẫn sẵn sàng cho một quá trình đàm phán, và tất nhiên, theo các điều khoản mà tôi đã nêu trong bài phát biểu của mình với lãnh đạo Bộ Ngoại giao ở Moscow vào tháng 6 năm nay. Không có gì thay đổi", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ngày 28/11 khi được hỏi về triển vọng hòa đàm với Ukraine.
Hồi tháng 6, chủ nhân Điện Kremlin đã liệt kê các điều kiện hòa đàm với Ukraine gồm Ukraine rút quân khỏi 4 vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga là Donetsk, Lugansk, Zaporizhia, Kherson.
Ngoài ra, Ukraine phải cam kết trung lập, phi quân sự hóa, phi phát xít hóa. Phương Tây phải dỡ các lệnh trừng phạt Nga và cắt viện trợ cho Kiev.
Tổng thống Putin nhấn mạnh, tất cả những điều kiện này phải được ghi trong các hiệp định quốc tế cơ bản.
Giới chức Nga gần đây luôn đề cập đến các điều kiện trên trong bất cứ phát ngôn nào gần đây liên quan đến triển vọng đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 27/11 cũng cho biết việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine phụ thuộc vào sự sẵn sàng của phương Tây trong việc chấp nhận các đề xuất mà Tổng thống Putin đưa ra vào tháng 6. Các sáng kiến này đã được điều chỉnh dựa trên những thay đổi tình hình chiến sự.
Theo ông Ryabkov, đây vẫn là cơ sở duy nhất để chấm dứt xung đột. Ông nhấn mạnh, hành động tiếp tục phớt lờ lập trường của Nga và viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn, đồng thời khiến triển vọng đối thoại hòa bình trở nên không khả thi.
Trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti,ông nêu rõ, Moscow mong đợi một cách tiếp cận mang tính xây dựng từ Washington và các đồng minh. Ông cho hay sự lựa chọn vẫn nằm ở phương Tây: hoặc là công nhận các đề xuất đã nêu, hoặc là căng thẳng leo thang hơn nữa và điều này chắc chắn sẽ dẫn đến tình hình tồi tệ hơn cho tất cả các bên.
Theo đánh giá của ông Ryabkov, hành xử hiện tại của phương Tây, thể hiện qua việc hỗ trợ quân sự và tài chính cho Kiev, đang tạo ra ngày càng nhiều trở ngại cho việc thiết lập hòa bình. Ông cho biết Moscow đã gửi tất cả tín hiệu cần thiết tới phương Tây, bao gồm các công hàm ngoại giao và trình diễn công nghệ quân sự mới, mà gần nhất là vụ phóng thử nghiệm chiến đấu tên lửa siêu vượt âm tầm trung Oreshnik có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà lãnh đạo phương Tây không sẵn sàng chấp nhận các yêu cầu của Nga. Mỹ và các đồng minh đang có những bước đi táo bạo nhằm giúp Ukraine cải thiện vị thế trước bất cứ cuộc đàm phán tiềm năng nào với Nga, trong đó có việc cho phép Kiev tấn công sâu vào Nga bằng vũ khí viện trợ.
Giới tình báo Mỹ cho rằng quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga không làm tăng nguy cơ tấn công hạt nhân. Tuy nhiên, tình báo Mỹ nhấn mạnh, Mỹ và phương Tây vẫn cần chuẩn bị sẵn sàng cho những đòn trả đũa phi đối xứng từ Moscow.
Theo TASS