Trưa 20-1,ườichếttàuchìmvìápthấpnhiệtđớkeo bd hôm nay áp thấp nhiệt đới đã đổ bộ vào các tỉnh từ Bình Thuận đến Sóc Trăng và suy yếu thành vùng áp thấp trên biên giới VN - Campuchia. Khi vào đất liền, áp thấp nhiệt đới đã gây ra mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to tại các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, Nam bộ và Tây nguyên.
Tổng lượng mưa tính đến 13g ngày 20-1 phổ biến ở mức 20-50mm. Riêng các tỉnh ven biển Nam Trung bộ là 50-100mm, một số nơi lớn hơn như TP Phan Thiết 127mm, đảo Phú Quý 148mm... Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Sóc Trăng có gió mạnh cấp 5, giật cấp 6-7.
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, áp thấp nhiệt đới tan, mưa tại khu vực Tây nguyên, Nam bộ giảm nhưng còn kéo dài hai ngày nữa. Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết mưa trái mùa trong nhiều ngày giúp giải hạn khu vực Tây nguyên nhưng làm giảm khả năng ra bông, đậu trái, ảnh hưởng đến chất lượng nhiều loại cây trồng, hoa màu tết vùng Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tính đến 17g ngày 20-1, thống kê sơ bộ cho biết do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, toàn tỉnh Bình Thuận đã có 3 người chết, 68 tàu thuyền bị đánh chìm, thiệt hại khoảng 4 tỉ đồng. Theo ông Huỳnh Văn Hưng - chủ tịch huyện đảo Phú Quý, áp thấp nhiệt đới đã gây ra những đợt sóng cao hơn 2m ven đảo Phú Quý. Dù đã lường trước nhưng Phú Quý vẫn có đến hơn 20 tàu thuyền bị đánh chìm, một ngư dân là anh Trần Văn Yên trong lúc đang neo tàu bị sóng đánh trôi, trưa 20-1 đã tìm được thi thể.
Lực lượng vũ trang giúp dân trục vớt tàu thuyền bị sóng đánh chìm trên đảo Phú Quý (Bình Thuận)
Nạn nhân thứ hai ở Bình Thuận là anh Nguyễn Minh Hậu, ngụ Thanh Hải, TP Phan Thiết. Tối 19-1 khi đang đánh bắt gần bờ, nghe thông báo áp thấp nhiệt đới, anh Hậu dùng thúng chai bơi vào và bị sóng đánh mất tích, sáng 20-1 đã tìm được thi thể. Đến tối cùng ngày đã xác minh thêm trường hợp tử vong khác là một ngư dân ở Chí Công, huyện Tuy Phong.
Tính từ ngày 12-1 đến nay vẫn chưa có chiếc tàu nào có thể cập đảo Phú Quý do không thể ra khơi vì gió giật mạnh. Hàng trăm hành khách ở Phú Quý đang bị kẹt lại Phan Thiết và phải tá túc nhà người quen. Các chuyến tàu khách chất đầy hàng nhu yếu phẩm phục vụ Tết Nguyên đán cho bà con huyện đảo vẫn đang nằm bến trông chờ thời tiết tốt mới có lệnh ra khơi.
Tại Phú Yên, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa to làm gần 1.000ha lúa đông xuân 2009-2010 vừa mới gieo sạ ngập úng trên diện rộng. Tại cánh đồng Mếu (xã An Chấn, huyện Tuy An), lúa vụ đông xuân gieo sạ trên 10 ngày tuổi vẫn bị ngập sâu trong nước. Ông Nguyễn Minh Đức, chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Chấn, cho biết: “Toàn xã gieo sạ lúa đông xuân gần 100ha nhưng có đến 40ha chìm sâu trong nước”.
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh miền Bắc từ đêm 21-1. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao, ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, trời chuyển rét, vùng núi rét đậm, có nơi rét hại.
Với cường độ khá mạnh nên đợt không khí lạnh này sẽ làm nhiệt độ các tỉnh phía Bắc ở mức 20-220C hiện nay giảm xuống nhanh chóng. Dự báo rét đậm sẽ xuất hiện trong hai ngày 22 và 23-1 với nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi phía Bắc ở mức 6-80C, đồng bằng Bắc bộ xuống thấp nhất là 7-100C, các tỉnh Bắc Trung bộ thấp nhất 10-130C. Dự kiến đến thứ hai tuần sau, nhiệt độ ở miền Bắc mới ấm dần.
Tuy gây rét đậm nhưng điều đáng mừng nhất mà đợt không khí lạnh này đem lại là lượng mưa gây ra do kết hợp với hội tụ gió trên cao dự kiến từ 50-70mm ở vùng đồng bằng và có thể lên 100mm ở vùng núi sẽ cải thiện rất nhiều tình hình khô hạn ở miền Bắc hiện nay.
Theo Tuổi Trẻ