Cách đây 40 năm,đốtlửachođồihoangthắmmãbang xep hang tnk sau khi đất nước thống nhất, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong bối cảnh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, hàng triệu thanh niên (TN) đã sẵn sàng cống hiến sức trẻ, tham gia xây dựng lại quê hương, đóng góp công sức trên tất cả các lĩnh vực. Hòa chung khí thế đó, TN Bình Dương ngày đó cũng hăng hái, xông pha tham gia nhiều hoạt động vì nước, vì dân…
Xung kích trên tuyến đầu gian khó
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) đã quyết định đổi tên Đoàn TN Lao động Hồ Chí Minh là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Và để đẩy mạnh trong TN các phong trào tình nguyện giúp ích nước nhà, năm 1980, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV tại thủ đô Hà Nội, đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Ba xung kích” thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ, nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN). Hưởng ứng phong trào này, hàng triệu lượt đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã tham gia phong trào “3 xung kích làm chủ tập thể”; gần 9 triệu ĐVTN tham gia phong trào “TN xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; hàng chục vạn TN gia nhập lực lượng vũ trang, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Tiếp đó là các phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” đã thu hút gần 6 triệu đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia và “Hành quân theo chân Bác” đã có 10 triệu thiếu niên nhi đồng tham gia. Cùng với phong trào “3 xung kích làm chủ tập thể”, tuổi trẻ cả nước đã phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ TN đi trước, tiếp tục duy trì thực hiện phong trào “5 xung phong”, thi đua xung kích trên những tuyến đầu gian khó nhất, khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh, lập những khu kinh tế mới trù phú, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Các cựu cán bộ Đoàn tổ chức dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh nhân dịp gặp mặt truyền thống năm 2015. Ảnh: N.NHƯ
Chung tay tái thiết quê hương
Chiến tranh kết thúc để lại nhiều hậu quả, mất mát đau thương. Những ngôi nhà, công sở, công trình bị tàn phá, kinh tế suy giảm, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Cùng với khí thế TN của cả nước, TN trong tỉnh khi đó đã hưởng ứng tích cực phong trào “3 xung kích”, “5 xung phong”… Vâng theo lời Bác “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển quyết chí ắt làm nên” và “đâu cần TN có, đâu khó có TN”, ĐVTN của tỉnh khi ấy đã xung phong tham gia vào tất cả các mặt trận khôi phục, xây dựng lại quê hương.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, nguyên Bí thư Huyện đoàn Lái Thiêu bồi hồi nhớ lại: “Ngày trước, phong trào Đoàn rất mạnh, từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, từ trường học đến các xã, các ấp. Ngày đó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, khôi phục lại nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh các TN tiếp tục lên đường nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia, số còn lại ai ai cũng tích cực tham gia vào việc tái thiết quê hương sau chiến tranh. Nhiều căn nhà dân bị tàn phá nặng nề nên ĐVTN chặt cây làm cột, chặt cỏ tranh hoặc lá dừa lợp mái để xây dựng lại nhà ở cho những hộ gia đình thương binh, những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Còn nhớ, thời gian đó kinh tế còn nhiều khó khăn, cơm không đủ ăn nên hàng ngày TN chúng tôi phải lên những chiếc xe cải tiến vào rẫy đào khoai mì rồi chia cho các hộ gia đình…”. Bà Mỹ bảo, lúc đó, Đoàn TN tỉnh còn có phong trào “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, với tinh thần tự giác cao việc nào vừa sức ai thì người ấy làm nên từ thiếu nhi đến TN đều đóng góp công sức bằng nhiều việc làm thiết thực như tiết kiệm chi tiêu thực hiện “phong trào kế hoạch nhỏ”, tham gia vào các đoàn sản xuất để phát triển kinh tế, tham gia dọn dẹp, vệ sinh đường phố…
Ông Nguyễn Trung Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Sông Bé khóa I, nhiệm kỳ (1983-1988) cũng cho biết: “Thời kỳ tôi làm công tác Đoàn- Hội, là thời kỳ đất nước vừa mới được giải phóng. Sống dưới chế độ bao cấp nên tất cả chi phí đều được Nhà nước cấp, không được “xã hội hóa” như bây giờ nên chi tiêu hạn chế trong mọi hoạt động. TN lập thân lập nghiệp cũng bị hạn chế, chưa được chủ động như bây giờ, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng lúc bấy giờ, chúng tôi không quản ngại vất vả, xông pha trên tất cả các mặt trận, có người tham gia vào lực lượng quân tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, người vào lực lượng TN xung phong khắc phục hậu quả của chiến tranh, người đi khai hoang tạo dựng kinh tế cho địa phương…, tạo nên khí thế hừng hực của tuổi trẻ trên tất cả các mặt trận”.
NGỌC NHƯ