Trong quá trình hình thành và phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam,ặttrậnTổquốcViệtNamnămpháthuysứcmạnhđạiđoànkếttoàndântộnhận định metz sự ra đời của Mặt trận Việt Minh có ý nghĩa lịch sử to lớn, quy tụ, tập hợp sức mạnh toàn dân tộc đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Trong ảnh: Mít-tinh tổng khởi nghĩa tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh: T.LIỆU
Quy tụ lực lượng cách mạng
Cách đây 90 năm, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Chỉ thị xác định Hội Phản đế Đồng minh phải bảo đảm tính công nông; đồng thời phải mở rộng tới các thành phần trong dân tộc để Mặt trận thực sự là của toàn dân và nhấn mạnh: “Giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công”.
Hội Phản đế Đồng minh là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn cách mạng của Đảng ta. Từ khi thành lập đến tháng 3-1935, Hội Phản đế Đồng minh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tháng 3-1935, đại hội lần thứ nhất của Đảng thông qua nghị quyết về công tác phản đế liên minh. Nghị quyết xác định các nhiệm vụ cần thiết trước mắt: Lập tức tổ chức ra các Hội Phản đế Liên minh, đảng viên phải vào hội, mở rộng tổ chức hội tới cấp toàn Đông Dương...
Những năm 1936-1939, sau khi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 trở về, đoàn đại biểu Đảng ta cùng với Ban Chấp hành Trung ương họp hội nghị (tháng 11-1936) xác định mục tiêu chủ yếu và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam lúc này là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Đảng quyết định tạm thời chưa nêu khẩu hiệu “Đánh đổ đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày”; đồng thời chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân Phản đế Đông Dương, tập hợp các lực lượng toàn Đông Dương vào cuộc đấu tranh chống đế quốc. Để phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 3-1938 quyết định đổi tên thành Mặt trận thống nhất Dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
Ngày 1-9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 11-1940, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Phản đế, nhằm tập hợp hết thảy những lực lượng phản đế, phản phong kiến ở Đông Dương đánh đổ đế quốc Pháp - phát xít Nhật và bè lũ tay sai phản lại quyền lợi dân tộc. Nhận thấy sự chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước có lợi cho cách mạng Việt Nam, sau khi về nước, tháng 5-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, quy tụ dưới ngọn cờ của Việt Minh, nhân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám “long trời, lở đất” năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đoàn kết kháng chiến, kiến quốc
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, nhiệm vụ củng cố và phát triển Việt Minh được đề ra cụ thể. Nhờ những hoạt động có hiệu quả của Việt Minh, khối đại đoàn kết toàn dân thực sự trở thành hậu thuẫn vững chắc chống thù trong giặc ngoài, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh nguy hiểm, bảo vệ được chính quyền, chủ động chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất, Bác Hồ và Trung ương Đảng chủ trương vận động thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) với “mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”. Việc thành lập Hội Liên Việt là bước phát triển mới của Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Thực hiện Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến. Ngày 3-3-1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận thống nhất Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) được tiến hành. Quá trình kháng chiến toàn dân, toàn diện làm cho Mặt trận Dân tộc thống nhất không ngừng lớn mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi.
Ngày 10-9-1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra sức vận động các tầng lớp nhân dân thi đua yêu nước, tham gia khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa thực sự là cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Tại miền Nam, từ cao trào đấu tranh của nhân dân chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân với mục tiêu đấu tranh “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình, thống nhất Tổ quốc!” nhằm đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ. Trong quá trình hoạt động, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Ngày 20-4-1968, trong khí thế của tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời với bản Cương lĩnh thích hợp nhằm đoàn kết, tranh thủ thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị nhưng chưa tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 6-6-1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam đã bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn. Từ khi ra đời, Mặt trận đã làm một phần chức năng của chính quyền dân chủ nhân dân. Sau khi có Chính phủ Cách mạng lâm thời, Mặt trận giữ vai trò trụ cột và làm hậu thuẫn cho chính quyền cách mạng, không ngừng đẩy mạnh hoạt động trên cả ba mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ ngày 31-1 đến 4-2-1977 tại TP.Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là MTTQ Việt Nam.
Trải qua gần một thế kỷ, với nhiều hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của nhân dân, tiêu biểu cho truyền thống đoàn kết dân tộc, là biểu tượng về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, là trí tuệ, sức mạnh không gì lay chuyển nổi của các thế hệ người Việt Nam yêu nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
ĐÀM THANH