Trang bị sẵn sàng chuyên môn số
Để đưa kỹ năng số gần gũi hơn với cộng đồng và đảm bảo người dân thực sự là đối tượng sử dụng và thụ hưởng thành quả của chuyển đổi số,ảngNinhpháthuytốiđasứcmạnhcủatổcôngnghệsốcộngđồ1usa = vnd Quảng Ninh đã thành lập và duy trì hoạt động các Tổ công nghệ số cộng đồng một cách sáng tạo, linh hoạt. Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng, bao phủ toàn bộ 177 xã, phường, thị trấn và 1.452 thôn, bản, khu phố với sự tham gia của hơn 11.000 thành viên.
Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn cho các tổ công nghệ số cộng đồng, tập trung vào nhiều nội dung quan trọng như: thông tin về chương trình, mục tiêu chuyển đổi số quốc gia và của Quảng Ninh, kỹ năng sử dụng Cổng dịch vụ công tỉnh và quốc gia, trang Chính quyền điện tử tỉnh; truy cập, sử dụng, tương tác và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4… Từ đó, các thành viên phổ cập thông tin về chuyển đổi số đến người dân, cầm tay chỉ việc để từng người dân biết cài đặt, sử dụng các ứng dụng số cơ bản: Định danh điện tử cá nhân, BHXH điện tử, sổ sức khỏe điện tử, VneID, tài khoản thanh toán trực tuyến…
Để phục vụ hoạt động của mô hình tổ công nghệ số cộng đồng, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị xây dựng hàng chục clip hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán online và quy trình, thủ tục sử dụng các dịch vụ công thiết yếu. Các clip tuyên truyền về kĩ năng số, dịch vụ công trực tuyến cũng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, thông tin tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho người dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện.
Phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà”
Một trong những điển hình triển khai tổ công nghệ số cộng đồng ở Quảng Ninh phải kể đến thị xã Quảng Yên. Được biết, thị xã Quảng Yên đã thành lập 179 tổ chuyển đổi số cộng đồng. Mỗi xã, phường lại có 1 nhóm điều hành tổ chuyển đổi số, thành viên gồm cán bộ phụ trách chuyển đổi số thị xã, các đơn vị viễn thông, đơn vị ngân hàng, doanh nghiệp về hoạt động công nghệ thông tin. Nhóm thường xuyên được tiếp cận thông tin mới nhất về chuyển đổi số, những cách làm hay, thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn về công nghệ số, nền tảng số, qua đó nắm vững kiến thức để hướng dẫn và đào tạo cho các tổ chuyển đổi số thôn, khu phố.
Các tổ chuyển đổi số Quảng Yên đã tham gia thiết kế, in treo pano tuyên truyền hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công; hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, định danh điện tử tại Trụ sở UBND xã, phường, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, các nhà văn hóa thôn, khu phố và một số nơi công cộng trên địa bàn thị xã. UBND thị xã Quảng Yên đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin hoàn thành in ấn 40.000 tờ gấp tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến và cài đặt ứng dụng VNeID năm 2023 để phát đến từng hộ. Bên cạnh đó, các tổ cũng hỗ trợ người dân cập nhật thông tin thuê bao chính chủ; tạo lập tài khoản dịch vụ công trên cổng dịch vụ công quốc gia; đăng ký tài khoản ngân hàng; cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân và cơ sở kinh doanh dịch vụ; cài đặt chữ ký số; kích hoạt định danh điện tử mức độ 2 và cài đặt ứng dụng VneID.
Từ giữa năm 2022 đến nay, người dân phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên đã quen với lịch “đi học” - tham gia các buổi hỗ trợ tiếp cận, sử dụng các ứng dụng số đều đặn vào các ngày Thứ 7, Chủ Nhật.
“Ngoài các buổi hướng dẫn tại phường, chúng tôi được tổ công nghệ số thêm vào nhóm Zalo. Tổ nắm bắt rõ tình trạng ai đã và chưa cài đặt các ứng dụng, tài khoản, ai chưa hiểu, vướng mắc ở khâu nào sẽ được thành viên tổ hoặc các thành viên khác hướng dẫn thêm, đặc biệt là những cô bác lớn tuổi. Có hôm tối muộn, các thành viên của tổ vẫn tới tận nhà hướng dẫn tôi sử dụng tài khoản ngân hàng để trích thanh toán tự động tiền điện, nước vì tôi đi làm ở xa, tối mới về”, chị Nguyễn Thị Giang - một người dân tại phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên cho biết.
Hay tại xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, với đặc thù địa phương có 45,6% dân số là người dân tộc thiểu số, không chỉ thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng xã mà cả các cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh, người trẻ tuổi hiểu biết CNTT sinh sống ở các thôn, bản cũng được vận động tham gia hướng dẫn trực tiếp cho bà con hiểu ý nghĩa chuyển đổi số, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, những cách thức sử dụng các tiện ích số.
Với nhiều nỗ lực và cách làm linh hoạt, các tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực hỗ trợ người dân, giúp lan toả công nghệ số đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, đồng thời đóng góp quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số toàn tỉnh.
Quảng Ninh hiện có hơn 2 triệu tài khoản có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt đang hoạt động và có phát sinh giao dịch. Tất cả các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh đều đã chấp nhận hình thức thanh toán trực tuyến, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thu chi ngân sách nhà nước... Hiện người dân, doanh nghiệp có thể thanh toán lệ phí, học phí, viện phí không dùng tiền mặt; sử dụng tài khoản thanh toán nộp phí, lệ phí, biên bản xử phạt vi phạm giao thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia... Đến nay, có trên 61% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị.
M.C